Ba Chẽ: Phát huy hiệu quả kinh tế rừng

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm hơn 90% tổng diện tích đất tự nhiên, cùng nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Ba Chẽ đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp của địa phương, phát triển mạnh kinh tế từ rừng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu thăm mô hình trồng cây dược liệu tại
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tháng 11/2019. Ảnh: Phạm Tăng

Theo số liệu của huyện Ba Chẽ, diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện Ba Chẽ hiện là hơn 56.600ha, chiếm 93,47% tổng diện tích tự nhiên, (rừng sản xuất hơn 49.500ha, còn lại hơn 7.000ha rừng phòng hộ). Giai đoạn 2014-2018, toàn huyện trồng mới trên 17.000ha rừng.

Riêng năm 2019, huyện trồng hơn 3.300ha rừng tập trung (trồng mới 426ha, trồng sau khai thác 2.886ha), đạt 110,4% kế hoạch năm, tăng 6,2% so với năm 2018, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 71,5%. Huyện Ba Chẽ định hướng phát triển kinh tế rừng theo 2 trọng tâm, gồm: Duy trì chất lượng, chuyển dần diện tích rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng trồng gỗ lớn và phát triển diện tích, chất lượng các cây dược liệu. 

Trong định hướng phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn, mục tiêu lớn huyện Ba Chẽ hướng đến là phát triển ngành lâm nghiệp một cách bền vững, kết hợp lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước giữa 2 mùa mưa – khô. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025.

Theo đề án, Ba Chẽ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha với các loài cây: Thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc, lim, lát, dổi… Trong đó, huyện giao chỉ tiêu trồng mới 400ha rừng gỗ lớn tập trung cho các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; phát triển thêm 50ha cây gỗ lớn phân tán với các loài cây bản địa như: Lim xanh, lát hoa, dổi… chuyển hóa 660ha rừng trồng gỗ nhỏ (keo tai tượng) sang rừng gỗ lớn; xây dựng 30ha mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

Cùng với đó, huyện cũng sẽ ưu tiên trồng trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc lưu vực các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện để cải thiện nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Với đề án này, huyện kỳ vọng sẽ đưa năng suất bình quân rừng trồng gỗ lớn đạt 20m3/ha/năm (với cây sinh trưởng nhanh) và 10m3/ha/năm (với cây sinh trưởng chậm); đưa tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính ≥15cm) từ 30-40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50-60% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi.

Trong năm 2019, huyện tiếp tục chuyển đổi và trồng mới được 235ha rừng gỗ lớn gồm các cây thông, dổi và keo, bạch đàn có cam kết khai thác ở tuổi thứ 8; tiếp nhận và hoàn thành trồng 21,6ha thông mã vĩ do Công ty CP Thông Quảng Ninh hỗ trợ…

Người dân xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tận thu cành, lá, cây keo nhỏ, chuyển hóa dần diện tích sang trồng rừng gỗ lớn các loại cây thông, dổi. Tháng 12/2019.
Người dân xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, tận thu cành, lá, cây keo nhỏ, chuyển hóa dần diện tích sang trồng rừng gỗ lớn các loại cây thông, dổi. (tháng 12/2019).

Còn với định hướng phát triển cây dược liệu, trong năm huyện Ba Chẽ phát triển thêm 117ha vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực, thế mạnh của địa phương là ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh. Bên cạnh việc phát triển diện tích trồng nguyên liệu, Ba Chẽ đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, giữ gìn và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm.

Năm 2019, huyện tổ chức nhân rộng mô hình trồng ba kích theo tiêu chuẩn GACP-WHO; phối hợp với các tổ chức, đơn vị phát triển các sản phẩm mới từ dược liệu với 3 sản phẩm chủ đạo (hoa đóng gói, lá đóng gói, trà túi lọc); đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân trang sắm thiết bị, máy móc để chế biến dược liệu, như: Hệ thống máy sấy, đóng gói trà túi lọc tự động, máy hạ thủy phần mật ong, máy khử độc tố aldehit trong rượu, máy hút chân không…

Đến nay, sản phẩm ba kích tím Ba Chẽ đã xác lập quyền bảo hộ trí tuệ đối với thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm khác như: Nấm linh chi, trà hoa vàng, lá tắm người Dao… đã hoàn thiện thiết kế bộ nhận diện các sản phẩm OCOP mang thương hiệu của huyện.

Song song với đó, Ba Chẽ đặc biệt quan tâm đưa lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian tới, các ngành, đơn vị chức năng của huyện tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu từ giống, trồng và chế biến; quan tâm phát triển thị trường và đầu ra ổn định nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp của huyện.

Theo Minh Hà/báo Quảng Ninh