Đầm Hà: Liên kết để nâng cao giá trị sản xuất

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Đầm Hà có sự chuyển động mạnh mẽ. Ngay trong năm 2020, trong bối cảnh bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, sản lượng lương thực của Đầm Hà vẫn duy trì ổn định, 2 lĩnh vực sản xuất mũi nhọn là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay.

Mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà.
Mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà.

Năm 2020, từ 2 trọng điểm sản xuất giống thủy sản là Tập đoàn Việt – Úc và HTX Bắc Việt, Đầm Hà đã cung cấp 1,5 tỷ con tôm giống và 500 vạn con cá song giống ra thị trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi trên địa bàn huyện mà cả Quảng Ninh và một số tỉnh thành lân cận. Tập đoàn Việt – Úc cũng triển khai kết hợp mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà bóng, nhà phao.

Lĩnh vực chăn nuôi, việc tái đàn lợn theo hướng an toàn, bền vững, hạn chế được các ổ dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt mô hình chăn nuôi đang chuyển dịch theo hướng nông hộ, nhỏ lẻ trong dân sang trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX hoặc doanh nghiệp lớn.

Điểm sáng gần đây là dự án đầu tư chăn nuôi lợn quy mô 30.000 con/lứa tại xã Dực Yên của Tập đoàn Dabaco đã cơ bản hoàn thành các thủ tục đầu tư, được giao mặt bằng để có thể xây dựng hạ tầng, đáp ứng mục tiêu đưa vào sản xuất thực tế ngay trong quý đầu của năm 2021.

Cùng với đàn lợn thì giống gà bản địa của huyện Đầm Hà cũng được HTX Tuyền Huyền tích cực nhân rộng. Năng lực sản xuất năm 2020 của đơn vị này là cung cấp 300.000 con gà giống cho gần 100 hộ dân chăn nuôi thương phẩm, đồng thời liên kết để bao tiêu sản phẩm.

Người dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, nuôi giống gà bản địa.
Người dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, nuôi giống gà bản địa.

Trong năm 2020, Đầm Hà tăng cường phối hợp với Tập đoàn Việt – Úc và Tập đoàn TH True Milk đẩy nhanh lộ trình hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao về thủy sản và chăn nuôi bò sữa. Huyện cũng chuẩn bị điều kiện để triển khai đề án hình thành vùng trọng điểm cây ăn quả – hướng phát triển mới của nông nghiệp.

Chuyển động mới nhất trong đề án này là huyện Đầm Hà đã đưa vào kế hoạch sử dụng diện tích khoảng 2.500ha đồi thấp để trồng cây ăn quả giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, với sự tham gia đề án vùng trọng điểm cây ăn quả của Tập đoàn TH True Milk với vai đơn vị cung ứng giống, quy trình kỹ thuật, bao tiêu, chế biến, xuất khẩu sản phẩm… được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, hỗ trợ cho các hộ dân Đầm Hà cùng phát triển hướng sản xuất nông nghiệp mới này.

Khu nhà vườn trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Nhượng, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.
Khu nhà vườn trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Nhượng, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.

Từ nền tảng sản xuất nông nghiệp năm qua, năm 2021 huyện Đầm Hà xác định, mô hình sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh từ nhỏ lẻ sang tập trung, có liên kết sản xuất.

Trong đó, các trục liên kết sản xuất là 3 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với trên 80 hộ dân trồng rau xanh, dưa lưới; HTX Tuyền Huyền với 100 hộ dân nuôi gà bản địa; Tập đoàn Việt – Úc, HTX Bắc Việt với hàng ngàn hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá biển và nhuyễn thể; Tập đoàn TH True Milk với hàng ngàn hộ dân chăn nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả… Dự án đầu tư về chăn nuôi lợn của Dabaco với quy mô 2.500 con lợn nái và 75.000 con lợn thương phẩm được triển khai đủ sức cải thiện ngay tổng đàn lợn của huyện cũng như toàn tỉnh…

Tác giả: Việt Hoa

Theo: Báo Quảng Ninh