Để có các sản phẩm OCOP chủ lực

Tính đến nay Quảng Ninh đã có 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Phần lớn các sản phẩm trên đều đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý, đồng thời đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của các sản phẩm là sản lượng nhỏ, hạn chế về chủng loại, số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Lãnh đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra chất lượng sản phẩm hàu tại huyện Tiên Yên
Lãnh đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra chất lượng sản phẩm hàu cửa sông nuôi tại huyện Tiên Yên.

Căn cứ vào sản lượng, giá trị kinh tế, tính đặc thù và kết nối, đến thời điểm này, tỉnh đã có được danh mục 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bao gồm: Ba kích, trà hoa vàng, hàu, chả mực, miến dong, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, nước mắm, nhóm thảo dược, ghẹ, chè, gốm sứ Đông Triều. Trên cơ sở danh mục này, tỉnh cũng lựa chọn 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, bao gồm: Ba kích, trà hoa vàng, hàu, chả mực, lợn Móng Cái, nước mắm.

Hầu hết các sản phẩm trên đều đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý, đồng thời đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của các sản phẩm là sản lượng nhỏ, hạn chế về chủng loại, số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó vùng nguyên liệu phục vụ chế biến của nhiều sản phẩm không ổn định, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mối liên kết giữa các khâu sản xuất còn lỏng lẻo, chủ yếu ở dạng mô hình… Chính bởi vậy để phát triển sản OCOP chủ lực, việc đầu tiên phải làm là tạo mới và mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Sản phẩm giò được chế biến từ nguyên liệu lợn Móng Cái của HTX giò chả Quang Dần, phường Ka Long, TP Móng Cái
Sản phẩm giò được chế biến từ nguyên liệu lợn Móng Cái của HTX Giò chả Quang Dần, phường Ka Long, TP Móng Cái.

Có thể thấy trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2017, vùng nguyên liệu của nhiều sản phẩm OCOP chủ lực đã được đầu tư, mở rộng quy mô. Trong đó vùng trồng dong riềng phục vụ sản xuất miến dong tăng 167ha, nâng tổng diện tích lên 328ha. Diện tích cây ba kích tăng thêm 360ha, nâng tổng diện tích lên 682ha; diện tích cây trà hoa vàng tăng thêm 82ha, nâng tổng diện tích lên 202ha. Riêng đàn lợn Móng Cái và đàn gà Tiên Yên, sau nhiều dự án phục tráng, phát triển đã nâng tổng đàn lên gần 4.300 con lợn, tăng gần 1.500 con; đàn gà đạt trên 130.000 con, tăng 33.000 con…

Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, sự cải thiện trên vẫn còn là nhỏ bé, chưa đồng đều giữa các sản phẩm, và ngay chính những sản phẩm mở rộng vùng nguyên liệu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu cho biết, ví dụ như đối với sản phẩm miến dong, hiện vẫn có thời điểm chúng tôi phải ăn đong nguyên liệu, thậm chí vì thiếu nguyên liệu đã có cơ sở chế biến nhỏ lẻ lén lút nhập nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng về để sản xuất, từ đó ít nhiều làm giảm chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Riêng đối với sản phẩm ba kích, trà hoa vàng, phần diện tích tăng chủ yếu là trồng mới, diện tích đã đến tuổi thu hoạch, có thể làm tăng sản lượng thực vẫn không đổi, vì vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Người dân xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên phát triển các mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên
Người dân xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên phát triển các mô hình chăn nuôi gà bản địa.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cần phải có sự rà soát, đánh giá vùng nguyên liệu của các sản phẩm OCOP chủ lực một cách cụ thể, chi tiết, con số thực, tránh tình trạng thống kê cơ học, thiếu sát thực. Các địa phương cũng cần lập đề án và tập trung chỉ đạo dành quỹ đất sạch để phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực theo quy hoạch.

Về việc sản xuất theo chuỗi, trong năm 2017, dong riềng là loại cây nguyên liệu được mở rộng theo phương thức liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp với diện tích 280ha, chiếm 84% tổng diện tích dong riềng toàn tỉnh. Các sản phẩm trà hoa vàng cũng được Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh tổ chức thực hiện từ khâu nguyên liệu đến chế biến, đóng gói thành phẩm đưa ra thị tường. Tuy nhiên theo nhiều khách hàng, sản phẩm còn nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã chưa tinh tế và việc đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, quảng bá tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp còn yếu, chưa có chiến lược rõ ràng…

Theo giới chuyên môn, để khắc phục việc này, tỉnh, ngành và các địa phương cần phải xây dựng cơ chế phát triển các tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại…) và liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó cần đa dạng hóa các hình thức liên kết như: Giữa nông dân với hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Việc liên kết được thực hiện trong khâu cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

sản phầm trà hoa vàng đang được Công ty CP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh sản xuất theo chuỗi
sản phầm trà hoa vàng đang được Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh sản xuất theo chuỗi.

Đặc biệt trong thời gian tới đây các đơn vị chức năng cần phải xây dựng bộ tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác đánh giá, phân loại các sản phẩm. Đồng thời cùng với tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu thì cần xác định khâu sống còn của sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm OCOP chủ lực nói riêng vẫn phải là đầu ra, từ đó có giải pháp triển khai hiệu quả.