Đưa cán bộ trẻ về làm việc: Trợ lực mới để HTX nông nghiệp phát triển

Với gần 300 HTX, chiếm trên 60% số lượng các HTX trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, các HTX nông nghiệp hiện mới chỉ tổ chức được một đến hai khâu dịch vụ là thủy nông và cung ứng vật tư phân bón, các khâu dịch vụ khác rất hạn chế, giá trị sản xuất của những HTX này làm ra so với các thành phần kinh tế khác của tỉnh còn thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, là do những HTX nông nghiệp quá thiếu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

HTXSản xuất rau màu trên cánh đồng của HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng (huyện Đầm Hà).

Theo thống kê, trong 1.083 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp thì mới chỉ có 70 người có trình độ đại học, 22 người trình độ cao đẳng, 245 người có trình độ trung cấp còn 746 người chưa qua đào tạo hoặc mới có trình độ sơ cấp. Trong đó, đa số cán bộ quản lý trung bình xấp xỉ tuổi 50 nên khó tiếp thu được khoa học kỹ thuật mới, hạn chế trong công tác tiếp cận thị trường, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất xám ở các HTX nông nghiệp, tháng 4/2018, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX. Dựa trên kế hoạch này, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2020.

Ngày 5/9/2019, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định số 3738/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách cho 6 HTX thực hiện thí điểm mô hình đưa 7 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc. Bao gồm: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Việt Dân, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hồng Thái Đông, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (TX Đông Triều); HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng (huyện Đầm Hà); HTX nông nghiệp hữu cơ An Lộc, HTX Phúc An (TP Móng Cái). Đây là những HTX tổ chức và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nông sản an toàn, có hoạt động liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm… Mức hỗ trợ trả lương cán bộ cho các HTX được trích từ nguồn ngân sách của địa phương với số tiền lương hàng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng.

Kỹ sư Hoàng Văn Vượng (HTX kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lúa
Kỹ sư Hoàng Văn Vượng (HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng, huyện Đầm Hà) kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lúa. Anh là một trong 7 cán bộ trẻ trong mô hình thí điểm của tỉnh.

Ông Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng (huyện Đầm Hà) chia sẻ: Thực tiễn hoạt động cho thấy chúng tôi thường gặp khó khăn về tiếp cận công nghệ, quản lý nguồn vốn vì vậy khi biết về mô hình này, tôi đã đăng ký ngay với địa phương để được hỗ trợ một kỹ sư nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, sau khi tuyển được kỹ sư Hoàng Văn Vượng (Trường ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội) tôi cảm thấy rất yên tâm. Vượng đã giúp HTX bố trí sắp xếp người lao động một cách hợp lý, các quy trình bón phân, kỹ thuật cho sản phẩm gạo bao thai Dực Yên, đậu xanh Đầm Hà đã được triển khai theo một quy trình chuẩn, giúp nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm.

Không chỉ riêng HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng mà 5 HTX trong danh sách thí điểm đều tán đồng chủ trương đúng đắn này của Bộ NN&PTNT và của tỉnh. Việc đưa những cán bộ trẻ, có trình độ đại học, cao đẳng về các HTX sẽ tạo động lực để các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Đồng thời tạo cơ hội khởi nghiệp để các cán bộ trẻ được phát huy chuyên môn, nghiệp vụ, sự nhiệt huyết. Ông Dương Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện đơn vị đang tăng cường phối hợp với các địa phương và HTX để mô hình phát huy được hiệu quả một cách cao nhất. Sau giai đoạn thí điểm, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh nhân rộng mô hình, một trong những “trợ lực” mới cho sự phát triển của các HTX nông nghiệp.

Hoàng Thu
Nguồn tin: baoquangninh.com