Trà hoa vàng ở Ba Chẽ

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng trà hoa vàng tại Ba Chẽ được mở rộng đáng kinh ngạc, lên tới gần 200ha. Chứng kiến sự nở rộ của mô hình trồng và sản xuất trà hoa vàng tại đây, ít ai có thể nghĩ rằng loài cây bản địa này từng đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Từ cây rừng mọc dại, trà hoa vàng được khôi phục trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Với giá thành 15 triệu đồng/cân hoa khô, loài hoa được ví là quý như vàng đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Trà hoa vàng là sản phẩm OCOP 5 sao của huyện Ba Chẽ đang trên đường trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Trà hoa vàng là sản phẩm OCOP 5 sao của huyện Ba Chẽ đang trên đường trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Trà hoa vàng là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, bên các khe, lạch ở Ba Chẽ. Trước đây, bà con đi rừng, đào cây về bán cho các thương lái nước ngoài với giá khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/cây. Song thương lái không chỉ mua hoa mà mua cả cây, trà hoa vàng tự nhiên cứ thế ngày một ít đi và có nguy cơ biến mất.

Nhận thấy lợi ích to lớn mà cây trà hoa vàng đem lại, chọn trồng cây thay vì bán cây, anh Nịnh Văn Trắng, thôn Bác Xa, xã Đạp Thanh là một trong những người tiên phong trồng, khôi phục và bảo tồn cây trà hoa vàng. Năm 2005, anh quyết định bỏ trồng keo, đổi ruộng, đổi bãi để lấy đất đồi trồng chè.

Nhớ lại thời gian này anh Trắng vẫn không thể quên sự phản đối của người thân trước quyết định táo bạo, anh nói: “Bố tôi khi đó phản đối dữ dội lắm! Ông cụ bỏ ăn mấy ngày liền. Cụ bảo: Mày không làm được thì phải để đất cho con cái mày làm. Đổi ruộng rồi lấy gì mà ăn?”

Vận động sự đồng tình từ gia đình đã khó, làm chủ công nghệ trồng và chăm sóc trà lúc này với anh lại càng thử thách. Cây trà hoa vàng vốn ưa bóng râm, nay đưa lên đồi trồng lại phải cấp nước tưới cho cây, cây trồng đảm bảo khoảng cách, trồng dầy quá cây cũng chết. Một mình anh phải tự đi khắp các tỉnh rồi sang Trung Quốc học hỏi kỹ thuật… Vượt qua muôn vàn khó khăn, giờ đây, Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh do anh làm chủ trở thành đơn vị cung cấp cây giống duy nhất tại huyện Ba Chẽ.

Không chỉ làm chủ kỹ thuật trồng, anh Trắng cũng hoàn thiện quy trình sản xuất sấy thăng hoa để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính. Anh cũng chuẩn hóa quy trình sản xuất trà từ khâu tuyển chọn đến đóng gói.  

Công nhân cẩn thận dùng đũa gắp từng bông trà hoa vàng đóng hộp.
Công nhân cẩn thận dùng đũa gắp từng bông trà hoa vàng đóng hộp.

Trà hoa vàng Ba Chẽ giờ đây đã trở thành sản phẩm được chứng nhận 5 sao, chứng nhận cao nhất trong Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang bước vững chắc, với một chiến lược cụ thể, để trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Sự “thăng hoa” của cây trà hoa vàng trên mảnh đất Ba Chẽ không chỉ là câu chuyện của những nông dân tiên phong, dám nghĩ, dám làm như anh Trắng mà còn là minh chứng cho sự đúng đắn từ chủ trương biến Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu; hiệu quả từ công tác truyền thông, chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá các sản phẩm trà hoa vàng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội, hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại.

Mỗi năm tham gia trung bình 5 đến 6 hội chợ OCOP do tỉnh và các địa phương tổ chức, các sự kiện xúc tiến thương mại, anh Trắng cho biết mỗi hội chợ là cơ hội quảng bá tuyệt vời. Đến hội chợ, bán sản phẩm chỉ là thứ yếu, khi người mua có được thông tin liên hệ và biết được về giá trị sản phẩm thì đơn hàng cứ thế tới tấp đến. Từ chuyện bị hoài nghi về giá cả của sản phẩm, giờ đây mỗi ngày anh nhận được hàng chục đơn hàng trà hoa vàng, cá biệt, dịp tết, mỗi ngày anh nhận hơn trăm đơn hàng.

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, anh Trắng cũng đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm trà hoa vàng qua các kênh bán hàng trực tuyến như shopee, qua fanpage và trên website, nhờ đó lượng khách ngoại tỉnh đặt hàng cũng tăng lên, trà hoa vàng Ba Chẽ càng được biết đến rộng rãi hơn.

Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng trà hoa vàng, anh Nịnh Văn Trắng chia sẻ, anh thấy vui và vinh dự khi được gọi là “ông Trắng trà hoa vàng” và ánh lên trong mắt anh nhiệt huyết và mong muốn đưa trà hoa vàng thành thương hiệu OCOP quốc gia, vươn xa hơn tới các thị trường nước ngoài…

Nghề trồng trà hoa vàng là nghề mới, có tuổi đời còn non trẻ tại Quảng Ninh, song lại đang chứng kiến sự phát triển thăng hoa chưa từng có. Hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tin tưởng rằng nghề trồng cây dược liệu này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, là nền tảng để Ba Chẽ phát triển cả công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

Tác giả: Đào Linh

Theo: Báo Quảng Ninh