Mai vàng Yên Tử

Mai Vàng Yên Tử- Hoa của non thiêng

Lặng lẽ đơm nụ trong sương giá

Hun đúc trong mình khí đất trời

Vững vàng lưu giữ hồn của núi

Sưởi ấm đất này bằng sắc hoa

Mai Vàng Yên Tử là một trong số nhiều loài cây có giá trị trong hệ thực vật phong phú sinh trưởng trên chốn non thiêng Yên Tử lạnh giá, ở độ cao tới cả nghìn mét so với mực nước biển. Truyền thuyết kể rằng, khi Đức Phật Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, rời kinh kỳ để về chốn non thiêng Yên Tử, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, Ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên. Dưới bàn tay chăm sóc của các Phật tử, cây mai nhỏ bé ngày nào đã biến thành rừng mai rộng lớn với những đại lão mai vàng có tuổi đời gần 700 tuổi. Rừng mai ấy nay cứ mỗi độ tết đến xuân về lại làm cho Yên Tử càng trở nên linh thiêng, huyền bí khi khoác trên mình vạt áo cà sa dệt bằng sắc mai.

Mai Vàng Yên Tử  thuộc có tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.) Merr, thuộc họ lão mai: Ochnaceae, chi Ochna.

Sinh trưởng trên núi đá cao, khí hậu mát mẻ về mùa hè, giá lạnh về mùa đông, Mai Vàng Yên Tử mang những vẻ đẹp khác biệt so với mai vàng của các địa phương khác trên cả ba miền đất nước. “Hoa màu vàng chanh tươi, năm cánh hoa hình rẻ quạt, xếp thưa, tách rời nhau, viền cánh hoa lượn sóng, và hoa có mùi thơm dịu nhẹ. Hoa nở thành chùm, búp và lá non màu xanh non, mọc chụm đầu cành”.

Mai vàng Yên Tử không chỉ khoe vẻ đẹp khi cây có hoa, mà mỗi mùa cây lại có một vẻ đẹp riêng. Cây thường ra hoa vào khoảng từ giữa tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, đúng vào mùa lễ hội Yên Tử. Sau khi ra hoa, cây mai vàng Yên Tử ra quả, đài hoa chuyển sang màu đỏ tươi, trên mỗi đài xuất hiện từ 7-10 quả lúc đầu có màu xanh, thẫm dần rồi chuyển màu đen bóng lúc chín (khoảng tháng 5 âm lịch). Do vậy, Mai Vàng Yên Tử không chỉ khoe sắc hương mỗi khi xuân về mà còn rất đẹp khi cây ra quả và ra lá non.

Một điểm khác biệt riêng có nữa của mai vàng Yên Tử là vẻ đẹp ấy lại được hình thành trong một điều kiện khác biệt. Mai vàng Yên Tử là một loài mai sống tự nhiên hoang dã, phát triển thành từng cụm, khu, quần thể dọc theo các vách đá, mỏm núi, rừng cao từ 300-800 m so với mực nước biển. Vì thế Mai vàng Yên Tử có sức sống vô cùng mãnh liệt. Cho dù bị bão quật, sét đánh, cháy rừng, chỉ cần còn lại nửa thân, một chút gốc, hay vài chiếc rễ trơ trọi trên vách đá thì vẫn tiếp tục nảy mầm và sinh sôi phát triển, đơm hoa tạo nên những cây mai độc đáo, có hình thù vô cùng đặc sắc. Giống Mai vàng được bảo tồn phần nào nhờ vào những viên đá rừng vì rễ mai thường len lỏi trong các khe đá, quấn vào đá để sinh trưởng và tránh bị rửa trôi.  Chẳng thế mà một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về mai vàng Yên Tử đã gọi đây là mai ký đá bên cạnh những tên gọi thân thuộc khác như Kim Liên Mộc hay Mai vàng Yên Tử.

Mai Vàng Yên Tử không chỉ là loài hoa biểu tượng cho sự thanh bạch, vẻ đẹp thanh tao, mà còn là biểu tượng của sức sống bền bỉ của người Việt Nam theo triết lý Nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Chính sức sống nội tại, quá trình nảy mầm, phát triển và đơm hoa trong những điều kiện khắc nghiệt nhất về thời tiết và địa hình cùng với truyền thuyết về nguồn gốc gắn với Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã mang lại cho mai vàng Yên Tử những ý nghĩa và giá trị nhân văn, giá trị lịch sử sâu sắc gắn với tư tưởng triết học của phật giáo Việt Nam và đưa mai vàng Yên Tử lên vị trí cao nhất, độc đáo nhất trong các loài hoa.

Với mong muốn tôn vinh, phát huy những giá trị riêng có của mai vàng Yên Tử, từ đó thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát triển giống mai quí và góp phần tạo thêm sinh kế của người dân, UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng các sở ban ngành và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là lãnh đạo và người dân thành phố Uông Bí, đã nỗ lực không ngừng nghỉ để mai vàng Yên Tử được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý và được coi là sản phẩm đặc biệt của quốc gia. Hiện nay, Mai vàng Yên Tử đã được cấp văn bằng bảo hộ số 00040 theo Quyết định số 3462/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ, ngày 18 tháng 12 năm 2013. Chỉ dẫn địa lý mai vàng Yên Tử được UBND Tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND Thành phố Uông Bí làm chủ sở hữu và quản lý; Hội Mai Vàng Yên Tử cùng các thành viên của mình là những người hưởng lợi, được quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Và để phát huy giá trị thương hiệu này, hàng năm, UBND Thành phố Uông Bí sẽ tổ chức Lễ hội Mai Vàng Yên Tử vào dịp đầu xuân với nhiều hoạt động phong phú để người dân và du khách đến với Yên Tử nói riêng và Uông Bí nói chung, có dịp thưởng lãm sản vật này của địa phương và có được những cơ hội sở hữu những cây mai vàng thuần chủng được nhân giống trực tiếp từ hạt của các đại lão mai vàng linh thiêng do bàn tay của các nghệ nhân mai vàng thuộc Hội mai vàng Yên Tử nuôi dưỡng.