Những tỷ phú OCOP

Họ là những nông dân chính hiệu, thế nhưng nhờ chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã vươn lên trở thành tỷ phú. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: OCOP Quảng Ninh không chỉ tạo ra sản phẩm tốt, nâng giá trị hàng hóa, mà còn truyền cảm hứng làm giàu cho người nông dân.

Tỷ phú trà hoa vàng

Nịnh Văn Trắng là điển hình nhất về những tỷ phú “chân đất” đi lên từ OCOP. Từ một anh nông dân người dân tộc Sán Chỉ chưa tường hết mặt chữ cái, kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản đã trở thành Giám đốc một công ty kinh doanh nổi tiếng khu vực miền Đông Quảng Ninh.

Vùng núi rừng Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) quê anh Nịnh Văn Trắng có cây trà hoa vàng. Là người bản địa, sống dựa vào rừng, anh biết đây là loại cây quý. Tuy nhiên, giống như bao người khác, khi đó Nịnh Văn Trắng chỉ biết lên rừng kiếm thật nhiều trà hoa vàng nhằm mục đích bán cho thương lái Trung Quốc. Chỉ đến khi được tiếp cận Chương trình OCOP thì anh mới thật sự có ý thức xây dựng, phát triển và tạo thương hiệu cho loại sản phẩm đặc sản của quê hương này.

Tỷ phú
Tỷ phú trà hoa vàng Nịnh Văn Trắng.

Từ những kiến thức thực tế kết hợp với quy trình sản xuất, quy trình chế biến được học qua các khóa tập huấn trong Chương trình OCOP, anh Nịnh Văn Trắng từng bước đưa cây trà hoa vàng trên rừng núi tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống cây và nhân rộng diện tích trồng; sử dụng, chế biến các thành phần của cây thành các sản phẩm trà hoa vàng. Đến thời điểm này anh đã có 3ha trà hoa vàng với trên 1.000 cây trưởng thành, 10 vạn cây giống; chế biến ra hàng chục loại sản phẩm từ trà hoa vàng.

Chương trình OCOP đã hỗ trợ anh Trắng về bao bì, nhãn mác, mã vạch sản phẩm, tạo điều kiện cho sản phẩm trà hoa vàng tham gia các hoạt động đánh giá, phân loại sản phẩm, xúc tiến thương mại… Anh còn phối hợp với Viện Dược liệu Trung ương để hoàn tất công trình nghiên cứu giá trị cây trà hoa vàng. Nhờ đó sản phẩm trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong toàn tỉnh mà còn nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của anh Nịnh Văn Trắng đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng. Quan trọng hơn, từ mô hình sản xuất của anh Nịnh Văn Trắng, huyện Ba Chẽ đã xác định trà hoa vàng là sản phẩm chủ lực của địa phương. Năm 2018 huyện đã có trên 200ha trà hoa vàng, phấn đấu đạt 500ha vào năm 2020. 

Các sản phẩm OCOP cam canh Đông Triều, gà Tiên Yên và
Các sản phẩm OCOP cam Canh Đông Triều, gà Tiên Yên và nước mắm Cái Rồng.

“Ông chủ” sản xuất miến dong

Vốn xuất thân từ vùng quê nông nghiệp Hải Phòng, sau khi rời quân ngũ, anh Nguyễn Xuân Bách ở lại Bình Liêu lập nghiệp. Với khát khao làm giàu từ những sản vật của quê hương, anh Nguyễn Xuân Bách quyết tâm phát triển nghề làm miến dong thủ công của bà con Bình Liêu và đưa vào sản xuất đại trà tại Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu, nơi anh đang giữ vai trò giám đốc. Năm 2007, Công ty cho ra mẻ miến đầu tiên. Do nguồn nguyên liệu dong riềng có ưu thế về hàm lượng bột, đường cao, kỹ thuật chế biến gia truyền cùng sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc, nên chỉ không lâu sau sản phẩm miến dong Bình Liêu đã được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận, tin dùng. Thời điểm năm 2012, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã mang về cho Công ty doanh thu trên 3 tỷ đồng với sản lượng sản xuất đạt trên 50 tấn, giá bán đạt trên 60.000 đồng/kg.

Với lợi thế là sản phẩm đặc thù địa phương lại được sản xuất tập trung, sản lượng ổn định nên miến dong của Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu đã tham gia Chương trình OCOP ngay khi chương trình này ra đời, năm 2013. Bắt đầu từ đây, sản phẩm OCOP miến dong Bình Liêu ngày càng phát triển, khẳng định và lan tỏa thương hiệu, trở thành thương hiệu mạnh của nông sản toàn tỉnh.

Anh Nguyễn Xuân Bách (đội mũ) giới thiệu sản phẩm với đại biểu tỉnh Quảng Ninh
Anh Nguyễn Xuân Bách (bên trái) giới thiệu công nghệ sản xuất miến dong Bình Liêu với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký. Ảnh: La Lành (CTV)

Giám đốc Nguyễn Xuân Bách khẳng định: Chính OCOP đã nâng hạng miến dong Bình Liêu từ sản phẩm bình dân lên sản phẩm cao cấp, trở thành hàng hóa giá trị cao, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hiện nay sản lượng miến dong đã tăng lên gấp đôi, giá bán tăng lên gấp 2,2 lần; doanh thu và lợi nhuận cũng tăng đột biến. Quan trọng hơn, từ chỗ sản phẩm chỉ được đóng gói đơn giản, chủ yếu phục vụ thị trường địa phương, đến nay miến dong Bình Liêu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên toàn quốc.

“Đại gia” nam dược Yên Tử

Trước khi trở thành Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y Võ như hiện nay, anh Nguyễn Văn Mạnh (TP Uông Bí) chỉ được biết đến là chủ một phòng khám Đông y nhỏ và sở hữu 2 sản phẩm thuốc nam là Cao thiên đông và Cao lạc tiên. Thời điểm đó, mặc dù 2 sản phẩm này được đánh giá chất lượng tốt, sản xuất trên cơ sở kiến thức khoa học, bí quyết gia truyền và 100% nguồn nguyên liệu thảo dược tự nhiên của núi rừng Yên Tử, tuy nhiên lại không được nhiều người biết đến, mỗi năm chỉ tiêu thụ được 500-600 chai.

Chỉ đến khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm thuốc nam của anh Mạnh mới tạo dựng được thương hiệu, có sức lan tỏa, được nhiều người tiêu dùng biết tới và tin dùng, mang lại cho anh doanh thu, lợi nhuận lớn. Những năm gần đây, sản phẩm Cao thiên đông và Cao lạc tiên tiêu thụ trên 12.000 chai/năm, doanh thu đạt 2,5-3,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra anh còn phát triển thêm hơn 10 loại sản phẩm khác như viên nén trinh nữ hoàng cung, tinh bột nghệ, trà thảo dược, viên cà gai leo… Tổng sản lượng nguyên liệu thảo mộc anh sử dụng mỗi năm lên đến gần 20 tấn.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng tham khảo, học tập phát triển sản phẩm OCOP Quảng Ninh
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng tham khảo, học tập chương trình phát triển sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Anh Mạnh cho biết: Gia đình có nghề gia truyền làm thuốc nam, bản thân cũng có hơn 20 năm hành nghề, tuy nhiên anh chủ yếu vững về kiến thức chuyên môn chứ việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại… cho sản phẩm thì hầu như không nắm bắt được. Trong khi đó đây là một khâu rất quan trọng, cần phải được làm tốt nhất để có thể phát triển bền vững. Rất may mắn là thông qua Chương trình OCOP, những thiếu sót này của anh đã từng bước được khắc phục. Sản phẩm Công ty sản xuất áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, có bao bì, mẫu mã, tem nhãn đạt tiêu chuẩn, trong đó 100% dán tem điện tử để truy xuất nguồn gốc. Ngoài kiến thức chuyên môn, anh Mạnh còn am hiểu và xử lý tốt các yếu tố tác động đến hiệu quả và sự phát triển của sản phẩm, doanh nghiệp.

Nhằm phát triển sản xuất bền vững và giá trị cao, hiện nay anh Nguyễn Văn Mạnh đang tập trung xây dựng cơ sở sản xuất của mình đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), trong đó sản phẩm được tạo ra từ một quá trình liên kết tất cả các công đoạn, các bộ phận.

Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh kiểm tra sản xuất sản phẩm cao thiên đông
Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra sản xuất sản phẩm Cao thiên đông.

Ngoài 3 tỷ phú nói trên, từ sự lan tỏa của Chương trình OCOP, Quảng Ninh ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân khác. Họ đã và đang đóng góp mạnh mẽ cho chương trình xây dựng nông thôn mới, làm giàu cho quê hương.

theo Việt Hoa