Để chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3, bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các địa phương đã xây dựng phương án tuyên truyền quảng bá, kích cầu, cũng như phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh, độc đáo. Đây được xem là cơ hội “vàng” để khôi phục ngành Du lịch, cũng như kinh tế của tỉnh.
Mặc dù mở cửa trở lại nhưng các biện pháp phòng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh việc thực hiện tốt nguyên tắc 5K và các yêu cầu của Bộ Y tế đối với ngành Du lịch, tỉnh đã xây dựng thêm phương án đón, phục vụ khách gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, ban hành quy chế tổ chức đón và phục vụ khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh đảm bảo an toàn phòng chống dịch; hình thành các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch an toàn. Tỉnh cũng liên kết với các tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển du lịch, tập trung thống nhất triển khai việc khai thác, quản lý và trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Đồng thời, thống nhất xây dựng và công bố các điểm đến an toàn, tăng cường quảng bá, xúc tiến điểm đến địa phương, quản lý khách đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và cộng đồng.
Cùng với đó, để chuẩn bị mở cửa, phục hồi và thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh, ngành Du lịch đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch: Sở sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường; tổ chức hội thảo giới thiệu điểm đến, tham gia các hội chợ du lịch, kết nối doanh nghiệp. Kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến; tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí, truyền thông, tăng cường liên kết hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với các địa phương trọng điểm du lịch.
Không chỉ tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, ngành Du lịch tiếp tục triển khai đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm du lịch mới là thế mạnh của Quảng Ninh như: Du lịch golf, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm…, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chỉ tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tại Quảng Ninh để bổ sung các hoạt động, sản phẩm thu hút khách.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tổ chức 65 sự kiện, hoạt động chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh. Trong đó, tập trung vào tổ chức phát động chương trình du lịch “Quảng Ninh an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”; tổ chức Ngày hội Văn hóa, Du lịch Quảng Ninh 2022 tại TP Hà Nội gắn với quảng bá văn hóa du lịch, xúc tiến thương mại của tỉnh. Làm mới các nội dung và cách thức tổ chức Carnaval Hạ Long mùa hè và mùa đông, gắn với việc đăng cai tổ chức thi đấu SEA Games 31 tại Việt Nam.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tích cực quảng bá, xây dựng chương trình xúc tiến du lịch, sẵn sàng đón khách. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân; rà soát, cập nhật, bổ sung kịp thời chủ trương, thông tin mới vào phương án; kiểm tra thường xuyên việc xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Điển hình, TP Uông Bí bắt đầu triển khai các chương trình quảng bá, gói kích cầu du lịch, hướng đến du lịch bốn mùa, phấn đấu thu hút được trên 1,4 triệu lượt khách trong năm nay. Theo ông Đào Duy Thảo, Phó phòng Văn hóa – Thông tin Thành phố: Với thông điệp “Uông Bí – Du lịch xanh, an toàn và thân thiện”, dự kiến, thành phố sẽ tổ chức chương trình “Uông Bí – Chào hè 2022”; các lễ hội văn hóa tâm linh gắn với thu hút khách du lịch; đăng cai tổ chức giải việt dã truyền thống lần thứ 51 tỉnh Quảng Ninh; chương trình nghệ thuật “Âm nhạc và áo dài Việt Nam”; Hội chợ OCOP gắn với thương mại năm 2022; đăng cai tổ chức giải cờ tướng trong khuôn khổ SEA Games 31; tổ chức giải khiêu vũ thể thao mở rộng năm 2022; liên hoan ẩm thực đường phố… Bên cạnh đó, thành phố đã tích cực đẩy mạnh phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành để đưa vào khai thác một số các tuyến, điểm du lịch là thế mạnh trên địa bàn.
Còn với TP Móng Cái, địa phương đã định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với các di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng; sản phẩm du lịch biên giới gắn với thực hiện hiệu quả phương án cho khách du lịch nội địa tham quan cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Về lâu dài, đề xuất tham gia giới thiệu, quảng bá du lịch Móng Cái tại các hội chợ, hội thảo trong cả nước; thực hiện lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin bằng 3 thứ tiếng (Việt – Anh – Trung); xây dựng kế hoạch triển khai lắp wifi miễn phí gắn với thành phố đô thị thông minh và tổ chức chiến dịch truyền thông du lịch Móng Cái 2022 “Móng Cái – Dấu ấn nơi địa đầu Tổ quốc”.
Việc mở cửa trở lại là một cơ hội lớn với ngành Du lịch, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị bước vào đợt cao điểm du lịch hè. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với các biện pháp phòng chống dịch và hàng loạt chương trình kích cầu hấp dẫn, hi vọng ngành Du lịch sẽ có một năm khởi sắc.