Quảng Ninh có gần 100.000 nông dân và thực tế số không ít trong đó đã và đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Thông qua những mô hình sản xuất nông nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, tự động hoá cao, mô hình ứng dụng nền tảng mạng, online… mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Nông dân thảnh thơi nhờ số hoá
Livestream bán hàng là một trong những công việc hàng ngày của chị Bùi Thị Nhàn, chủ cơ sở mắm tép Nguyên Nhàn, hội viên Hội Nông dân (HND) phường Yên Giang, TX Quảng Yên. Thông qua những buổi livestream bán hàng như vậy, chị Nhàn nhận được số lượng đơn hàng lớn, đạt doanh số cao, mang lại việc làm, lợi nhuận cho chị và nhiều người lao động khác.
Cơ sở mắm tép Nguyên Nhàn do chị Bùi Thị Nhàn làm chủ, mỗi ngày sản xuất số lượng lớn sản phẩm mắm, mắm tép, mắm tép chưng thịt, ruốc bề, mắm tép chưng tôm thịt, heo khô cháy tỏi… Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm của Nguyên Nhàn khá bị động vì chủ yếu trông vào đội ngũ bán hàng trực tiếp hoặc đợi khách hàng đến cơ sở nhập hàng. Nay thì Nguyên Nhàn ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt là áp dụng hình thức livestream bán hàng thì lượng sản phẩm bán ra tăng cao, sản phẩm cũng được biết đến rộng rãi hơn, có cả những khách hàng ngoại tỉnh và nước ngoài liên hệ để đặt hàng.
Chị Bùi Thị Nhàn cho biết: Livestream bán hàng lợi cho cả người bán và người mua. Riêng khách hàng thì biết rõ hơn về sản phẩm, được chính người sản xuất đảm bảo sản phẩm, được vận chuyển, giao hàng tận tay và thanh toán bằng chuyển khoản, rất nhanh chóng… Còn mình thì ở chỗ nào cũng nắm bắt ngay được các đơn hàng, chủ động điều phối, giao dịch thu vào bán ra, ngay cả khi đi café với bạn bè cũng có thể xử lý công việc được.
Cũng giống như chị Bùi Thị Nhàn, số hoá trong công việc đã giúp anh Đồng Quang Cường, xã Cẩm La (TX Quảng Yên) có quỹ thời gian thảnh thơi dù là chủ của đàn vịt thương phẩm đến 30.000 con/năm và 7.000 con vịt đẻ mỗi ngày. Lịch trình ngày làm việc của anh Cường là 1/3 tại trang trại, còn lại là lo việc gia đình, việc thôn khu hoặc giao lưu đối tác, bạn bè.
Anh Đồng Quang Cường cho biết: Tôi nuôi vịt thương phẩm theo công nghệ nhà lạnh khép kín, chăm đàn vịt đẻ bằng công nghệ ấp trứng tự động. Thành ra mọi hoạt động sản xuất đều đã vào quy trình, phần thì do máy móc thiết bị tự động hoá, phần thì có nhân lực đảm nhiệm. Đặc biệt các thông số kỹ thuật trong quá trình nuôi như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, liều lượng thức ăn uống, thời điểm tiêm vắc-xin chống dịch… đều được cập nhật và thông báo trên app đã được cài đặt vào điện thoại của tôi. Chính bởi vậy tôi nắm bắt rất rõ tình hình sản xuất tại trang trại, cũng có thể điều chỉnh các thông số chăn nuôi đàn vịt chỉ bằng những thao tác trên chiếc điện thoại trên tay…
Đẩy mạnh các hoạt động số hoá đến nông dân
Từ những lợi ích của chuyển đổi số mang lại, thời gian qua, HND các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức, hành động về chuyển đổi số trong nông dân. Cụ thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Nội dung hướng tới các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, email; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp.
Các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn hội viên HND trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt… Hội Nông dân tỉnh phối hợp mở tài khoản cho các nhà cung cấp với trên 100 sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Các cấp HND đẩy mạnh việc thành lập và ra mắt các mô hình câu lạc bộ nông dân với chuyển đổi số; xây dựng các nhóm liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chuyên hoặc đa ngành, lĩnh vực; thành lập nhóm zalo hoặc mạng xã hội cho nông dân…
Từ đầu năm đến nay, các cấp HND tổ chức 23 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho trên 2.100 hội viên nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại, giải đáp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi…
Có thể thấy, từ nhiều tác động, người nông dân Quảng Ninh hiện đang tiến mạnh đến chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, đánh giá: Toàn tỉnh Quảng Ninh đang có gần 100.000 nông dân, không phải tất cả họ đều sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, tiêu thụ nông sản bằng thương mại điện tử, điều hành sản xuất thông qua thiết bị thông minh hoặc hệ thống tự động hoá… Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, họ đều có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ những kỹ thuật hiện đại, hoàn toàn có thể trở thành những nông dân số.
Thực tế nhiều nông dân Quảng Ninh không cứ phải có ruộng vườn thẳng cánh cò bay mà vẫn tạo ra sản lượng nông sản lớn, giá trị nông sản cao. Thực tế này đặc biệt phù hợp đối với những nông dân sản xuất công nghệ cao, nông dân đô thị.
Với bản lĩnh cần cù, sáng tạo, sẵn sàng thử sức với cái mới của người nông dân Quảng Ninh; với sự quan tâm thiết thực, đúng hướng và tinh thần quyết liệt triển khai trong chuyển đổi số của các đơn vị chức năng tỉnh, trọng tâm là HND các cấp; cùng với đó là từ những chuyển động thực tế hiện nay cho thấy nông dân Quảng Ninh sẽ ngày càng bắt nhịp và làm chủ xu hướng chuyển đổi số, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà: Cần có những chính sách, chế tài từ phía tỉnh để thúc đẩy sự thống nhất, đồng bộ những phần việc của đơn vị chuyên môn cấp tỉnh một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Huyện Đầm Hà thời gian gần đây luôn chú trọng đầu tư, khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi số. Rất đáng ghi nhận là phần lớn các mô hình doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đã tiếp cận và ứng dụng đạt hiệu quả nhất định trong việc đưa khoa học công nghệ, đưa thiết bị hạ tầng và đưa nền tảng trực tuyến vào sản xuất, vào quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đối với các nông hộ cũng đã bắt đầu có những mô hình sản xuất nhỏ ứng dụng công nghệ cao, là nền tảng để nông dân chuyển đổi số. Kết quả này là đáng ghi nhận, tuy nhiên đó mới chỉ là kết quả ban đầu, còn mang tính nhỏ lẻ, khiêm tốn.
Chuyển đổi số là cả quá trình, trong đó tính đồng bộ về hạ tầng dùng chung, dùng riêng, về nhận thức và hành động của người trong cuộc là rất quan trọng. Đối với huyện Đầm Hà, chúng tôi đã đầu tư những hạ tầng ban đầu, ví như hệ thống wifi, đường truyền, dữ liệu cơ bản dùng chung, kết nối với các sàn giao dịch điện tử… tuy nhiên như vậy cũng chưa phải là đủ. Chúng tôi cần sự kết nối, liên thông rộng hơn, những gói dữ liệu dùng chung lớn hơn… Và điều này cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó cần có những chính sách, chế tài từ phía tỉnh để thúc đẩy sự thống nhất, đồng bộ những phần việc của đơn vị chuyên môn cấp tỉnh một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thuỳ (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí): Chuyển đổi số thực chất không xa lạ, nó xuất phát trên cơ sở nhu cầu sản xuất, sự tồn tại và phát triển của mỗi đơn vị sản xuất.
Đối với hoạt động sản xuất của Phương Thuỳ là mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị. Sản phẩm của Phương Thuỳ là nấm đông trùng hạ thảo. Trong diện tích sản xuất hạn chế, chúng tôi buộc phải áp dụng dây chuyền, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đảm bảo đáp ứng sản xuất ra sản lượng và chất lượng sản phẩm đề ra. Do đặc thù sản xuất nông nghiệp đô thị đã là yếu tố đưa chúng tôi đến với chuyển đổi số trong sản xuất. Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, từ dòng sản phẩm chính là nấm đông trùng hạ thảo, Phương Thuỳ tính tới việc chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu cho nhiều loại sản phẩm. Để thực hiện tốt Quy trình này nhất thiết phải tiếp cận nền tảng số hoá, cụ thể đó là ứng dụng không gian mạng, các sàn giao dịch trực tuyến, những kênh quảng bá điện tử. Đây có thể coi là một bước nữa trong chuyển đổi số đối với Phương Thuỳ.
Từ thực tế sản xuất của Phương Thuỳ cho thấy chuyển đổi số thực chất không xa lạ, nó xuất phát trên cơ sở nhu cầu sản xuất, sự tồn tại và phát triển của mỗi đơn vị. Tất nhiên là để những đơn vị sản xuất trực tiếp như Phương Thuỳ tiếp cận, ứng dụng và đạt kết quả cao trong chuyển đổi số cần phải có sự hỗ trợ, khuyến khích, động viên, hướng dẫn của các đơn vị chức năng, song trên hết bản thân đơn vị cũng phải chủ động, nỗ lực và sáng tạo, quyết tâm thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Nga, thôn 5, xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái): Sử dụng sàn thương mại điện tử để nông sản tiếp cận mọi thị trường
Gia đình tôi chuyên chăn nuôi lợn Móng Cái theo quy trình chuẩn VietGAP để cung cấp thịt sạch ra thị trường. Trước đây, việc tiêu thụ thịt lợn được HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc nhận bao tiêu. Tuy nhiên, đầu năm 2022, tôi tham gia hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản an toàn do HND xã và HND TP Móng Cái tổ chức, được hướng dẫn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. Sử dụng sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm thịt lợn sạch của gia đình cung cấp đến mọi khách hàng ở các tỉnh như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang…
Sau khi khách hàng đặt qua sàn thương mại điện tử, chúng tôi sẽ đóng gói, nhãn mác, bao bì và gửi xe đến tận địa chỉ người đặt nên rất thuận tiện. Việc sử dụng sàn thương mại điện tử tạo ra cho người nông dân nhiều lựa chọn quảng bá cũng như đa dạng thị trường tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp. Tôi mong muốn, các cấp HND tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận, sử dụng ứng dụng sàn thương mại điện tử làm kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả; nhất là những hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại.