Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh chú trọng nâng hạng sao cho sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP 5 sao mang nét đặc trưng, tiêu chuẩn, chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu. Từ đó góp phần nâng tầm OCOP địa phương, xây dựng thương hiệu đặc trưng, mở rộng được thị trường tiêu thụ.
OCOP 5 sao “Made in Quảng Ninh”
Quảng Ninh có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng, như: Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều; lợn Móng Cái; gà Tiên Yên; sá sùng Vân Đồn; mực Cô Tô; ngọc trai Hạ Long; các sản phẩm từ dược liệu… Đó là những giá trị, lợi thế khác biệt để Quảng Ninh hình thành các sản phẩm OCOP và hướng tới nâng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Quảng Ninh hiện có 4 sản phẩm được xếp hạng 5 sao quốc gia là: Ngọc trai Akoya, Ngọc trai Tahiti, Ngọc trai Southsea (xếp hạng năm 2021) của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long (HaLong Pearl Jsc); Trà hoa vàng Quy Hoa (năm 2022) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà). Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, mang nét riêng biệt của núi rừng, biển cả, góp phần tạo những nét riêng cho OCOP 5 sao Quảng Ninh.
Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, đơn vị đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, hiện sở hữu ba sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, là những sản phẩm quý, có đặc tính riêng biệt, mỗi loại mang một câu chuyện thú vị và được nuôi cấy trên vùng biển Quảng Ninh, nơi hội tụ những giá trị về con người, thiên nhiên tươi đẹp.
Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, cho biết: Các sản phẩm 5 sao của đơn vị được đánh giá, xếp hạng từ năm 2021. Sản phẩm có vẻ đẹp, kích thước và sự sang trọng khác nhau, được kết tinh hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi trai cấy ngọc của đơn vị, được áp dụng công nghệ, kinh nghiệm cấy ghép hiện đại. Để nuôi cấy trai ngọc chất lượng cao, đơn vị đã xây dựng vùng nuôi trồng ngọc trai trên lồng bè với hình thức bán thâm canh (hơn 23ha mặt nước), đảm bảo yêu cầu về môi trường sinh thái, được cấp chứng nhận ISO 14001-2015 về hệ thống quản lý môi trường. Để có được những sản phẩm ngọc trai chất lượng, đơn vị không ngừng hoàn thiện quy trình cấy ghép khép kín từ sinh sản con giống, nuôi cấy cho đến gia công ngọc trai. Từ đó mang lại những giá trị thẩm mỹ trên những sản phẩm thiên nhiên trang sức ngọc trai, để gửi tới khách hàng với chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Ngọc trai Hạ Long được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia là một vinh dự lớn với Công ty về chất lượng và thương hiệu. Từ danh hiệu này Công ty có nhiều lợi thế để truyền thông, marketing cho sản phẩm. Tuy nhiên, cũng đặt ra cho Công ty những thử thách, đó là phải chiến thắng chính mình, làm sao để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, cập nhật các mẫu thiết kế mới để sản phẩm ngọc trai đáp ứng được gu thẩm mỹ và thị hiếu của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, nâng chất, nâng tầm để ngọc trai Hạ Long xứng tầm là sản phẩm lưu niệm 5 sao của Quảng Ninh.
Cùng với các sản phẩm đã xếp hạng 5 sao, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các đơn vị liên quan, địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, hỗ trợ tối đa đối với các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, đủ điều kiện để gửi hồ sơ trình Trung ương tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm 5 sao quốc gia. Một số sản phẩm tiềm năng đã được gửi hồ sơ thẩm định, đánh giá, đang chờ kết quả là: Trà hoa vàng Ba Chẽ (Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh), Ruốc hàu (Công ty Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh), Rượu mơ Yên tử (Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thăng Long), Nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh bổ sung ga (Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh), Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Giảo cổ lam Đông Bắc 7 lá và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên an đường Đông Bắc (Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc).
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Trà hoa vàng Ba Chẽ là một trong những sản phẩm được định hướng để tham gia vào phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Công ty đã được hướng dẫn, hoàn thành các thủ tục hồ sơ để gửi trình Hội đồng trung ương xem xét, lựa chọn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn 5 sao, Công ty không ngừng hoàn thiện về nguồn trồng, máy móc, dây chuyền sản xuất, mẫu mã, bao bì,… của sản phẩm; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện theo đúng quy chuẩn của sản phẩm OCOP 5 sao. Công ty mong muốn sản phẩm sẽ được xem xét, công nhận để góp phần gia tăng các sản phẩm OCOP 5 sao cho Quảng Ninh, hướng tới mở rộng thị trường.
Phát triển sản phẩm tiềm năng
Đến nay toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong SXKD các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương. Các sản phẩm OCOP từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về ATTP, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch dịch vụ của tỉnh, đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương.
Theo Đề án Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển từ 8-10 sản phẩm OCOP 5 sao. Như vậy đến hết năm 2025 cần có thêm 5-6 sản phẩm OCOP 5 sao.
Để hoàn thành mục tiêu, hằng năm Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức các hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, từ đó lựa chọn các sản phẩm OCOP tiềm năng, có thế mạnh, hội tụ được các yếu tố về chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… để nâng hạng sao và dự thi sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Một số sản phẩm đang được đưa vào kế hoạch tập trung nâng cấp để đánh giá 5 sao cấp quốc gia là: Chả mực Hạ Long (Công ty CP Mạnh Hà 86), Nấm ăn (Công ty TNHH Long Hải), Ruốc hàu (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh – BAVABI)…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, quá trình phát triển sản phẩm OCOP 5 sao đang có những khó khăn nhất định về các tiêu chí đánh giá, như: Quy mô sản xuất lớn (vùng nguyên liệu để sản xuất phải đủ lớn, được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh,…); ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và có thời gian bảo quản dài; thực hiện liên kết chuỗi; bao bì mẫu mã sản phẩm; chất lượng sản phẩm (chứng nhận VSATTP theo tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO, GMP, HACCP, …); khả năng xuất khẩu của sản phẩm; nhận thức và sự quyết tâm của một số chủ thể trong phát triển sản phẩm OCOP hướng tới 5 sao còn một số hạn chế, nên chưa có sự đầu tư nâng cấp đồng bộ sản phẩm để đánh giá 5 sao.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: Để phát huy được hết các thế mạnh địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn trong định hướng doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh, hướng tới chuẩn hóa các sản phẩm OCOP 5 sao, Văn phòng sẽ thực hiện cơ cấu lại sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung phát triển sản phẩm có tiềm năng lợi thế, thế mạnh của tỉnh; chuẩn hóa các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP, xây dựng, củng cố và phát triển các thương hiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong SXKD sản phẩm OCOP. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm OCOP, trong đó tập trung cho nhóm sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; chú trọng lựa chọn được các sản phẩm tiềm năng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa 5 sao, đưa OCOP Quảng Ninh vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.