Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua tỉnh đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản.

Người dân xã Sơn Dương thu hoạch ổi. Ảnh: Thanh Hoa

Là thành phố thủ phủ của tỉnh,  Hạ Long có tổng số 33 xã, phường, trong đó có 12 xã; diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn khá lớn. Để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua thành phố luôn tích cực xây dựng thương hiệu nông sản, chú trọng sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Theo lãnh đạo TP Hạ Long, để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào một số mô hình trọng tâm để xây dựng thương hiệu nông sản, như: Nuôi gà thương phẩm, trồng cây dược liệu… hiện Hạ Long đã xây dựng được mô hình nuôi gà thương phẩm với 283.000 con; trồng thí điểm cây dược liệu tại 2 xã Dân Chủ và Tân Dân với diện tích khoảng 0,6ha cây sâm bố chính, 500 cây sâm ngọc linh; nhân rộng mô hình trồng sâm nam. Cùng với đó, thành phố đã cấp mã vùng trồng (OTAS) cho ổi Sơn Dương; triển khai thí điểm trồng ổi bằng phân bón hữu cơ và đang xây dựng vườn mẫu phục vụ tham quan, trải nghiệm… Với việc tập trung xây dựng thương hiệu nông sản giúp người tiêu dùng ngày càng tin dùng các sản phẩm nông nghiệp ở TP Hạ Long, đời sống nhân dân khu vực nông thôn trên địa bàn nhờ đó ngày càng khởi sắc. 

Tương tự, để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn, từ rất sớm huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng khởi động chương trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Trong đó, chú trọng thành lập Ban điều hành, vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và chất lượng của địa phương. Đồng thời, chủ động vận dụng, áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, như: Ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đầu tư xây dựng trung tâm và điểm bán hàng OCOP; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của huyện… Đến nay, toàn huyện đã có gần 20 sản phẩm được công nhận hạng OCOP 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Ba kích, nấm lim, măng mai và đặc biệt là sản phẩm trà hoa vàng đã thực sự tạo được thương hiệu, giá trị cao trên thị trường. 

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Trà hoa vàng Ba Chẽ là một trong những sản phẩm được định hướng để tham gia vào phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Công ty đã được hướng dẫn, hoàn thành các thủ tục hồ sơ để gửi trình Hội đồng trung ương xem xét, lựa chọn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn 5 sao, Công ty không ngừng hoàn thiện về nguồn trồng, máy móc, dây chuyền sản xuất, mẫu mã, bao bì,… của sản phẩm; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện theo đúng quy chuẩn của sản phẩm OCOP 5 sao. Công ty mong muốn sản phẩm sẽ được xem xét, công nhận để góp phần gia tăng các sản phẩm OCOP 5 sao cho Quảng Ninh, hướng tới mở rộng thị trường.

Hội đồng tỉnh đánh giá, xem xét nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đức 

Có thể thấy, khoảng chục năm trở lại đây, việc xây dựng thương hiệu được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân với số kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị các nông sản. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.

Thông qua các hoạt động của các dự án xây dựng thương hiệu, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã dần nhận thức được mục đích, ý nghĩa, cũng như vai trò của việc xây dựng thương hiệu nông sản đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đặc biệt đối với chương trình OCOP, từ chỗ chỉ có 48 sản phẩm năm 2013, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 417 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng, như: Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều; lợn Móng Cái; gà Tiên Yên; sá sùng Vân Đồn; mực Cô Tô; các sản phẩm từ dược liệu… Quan trọng hơn cả, chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong SXKD các sản phẩm truyền thống có lợi thế, nhiều sản phẩm ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, cải thiện đáng kể về mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn.

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Hiện mục tiêu này đã cơ bản được hiện thực hoá. Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, để phát huy được hết các thế mạnh địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn trong định hướng doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh, hướng tới chuẩn hóa các sản phẩm OCOP 5 sao, với vai trò nòng cốt, Văn phòng sẽ thực hiện cơ cấu lại sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung phát triển sản phẩm có tiềm năng lợi thế, thế mạnh của tỉnh; chuẩn hóa các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm, xây dựng, củng cố và phát triển các thương hiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong SXKD. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm OCOP, trong đó tập trung cho nhóm sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; chú trọng lựa chọn được các sản phẩm tiềm năng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa 5 sao, đưa OCOP Quảng Ninh vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Hoài Anh
Theo: Báo Quảng Ninh