Gìn giữ, phát triển thương hiệu chè Vân Bản Sen

Chè Vân là giống chè quý sinh trưởng và phát triển tự nhiên tại xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn từ hàng trăm năm nay. Với mục tiêu giữ gìn và phát triển thương hiệu chè này, gần đây, những người dân địa phương và doanh nghiệp đã cùng bắt tay sản xuất, chế biến, nâng tầm chè Vân Bản Sen trên thị trường.

Người dân xã đảo Bản Sen thu hái chè Vân từ một gốc chè cổ thụ 500 năm tuổi.
Một gốc chè Vân cổ thụ 500 năm tuổi hiện vẫn đang sinh trưởng tốt tại xã đảo Bản Sen.

Theo những người cao tuổi tại xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, những cây chè Vân đã xuất hiện tại Vân Đồn từ hàng trăm năm nay. Trong những khu rừng tự nhiên trên đảo, hiện vẫn còn những cây tuổi đời đã lên tới vài trăm năm tuổi. Giống chè Vân khác với chè Shan tuyết, gốc chè Vân dù thuộc hàng cổ thụ, song cũng không phát triển quá to, chủ yếu là phát triển bộ rễ đâm sâu vào lòng đất, để hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.

Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng, nên chè Vân gần như chỉ có thể sinh trưởng phát triển trên đảo Bản Sen, không những có hương vị đặc biệt mà còn có chất lượng rất cao. Vì thế, trước đây, nghề làm chè cũng đã từng có giai đoạn phát triển tại xã đảo Bản Sen, có thời điểm diện tích trồng chè Vân lên tới gần 100ha, một phần mọc tự nhiên trong rừng, một phần được người dân đánh về trồng, chăm sóc. Một năm hai vụ, những người dân địa phương lại lên rừng hái chè về chế biến thành chè khô. Tuy nhiên, do chỉ làm thủ công, nên sản lượng làm ra không nhiều, chất lượng không đồng đều, giá thành không cao, nên sau này, nghề làm chè tại Bản Sen dần mai một.  

Bà Phạm Thị Chinh, một người từng làm chè Vân tại xã đảo Bản Sen, chia sẻ: Xưa trên xã đảo có Hợp tác xã Cam – Chè Vân, lúc ấy cũng có khá nhiều hộ làm chè. Nhưng chè chỉ làm được một năm hai vụ không đảm bảo cuộc sống nên sau này mọi người chuyển dần sang nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, đem lại thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Chè Vân sau chỉ còn vài hộ làm thủ công để nhà dùng hoặc đem đi biếu tặng.

 Người dân địa phương thu hái lá chè tươi để chế biến. 

Hiện, ước tính, trên địa bàn xã đảo chỉ còn khoảng 500 gốc chè Vân cổ thụ, đa phần là mọc tự nhiên, phân bố rải rác ở các thôn Đồng Gianh, Nà Sắn, Bản Sen.

Năm 2023, với mong muốn giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Vân, một đơn vị doanh nghiệp đã được thành lập, lấy tên là Trà Vân Bản Sen, phối hợp với bà con làm chè, thu mua chè tươi, đồng thời đầu tư máy móc, công nghệ, kỹ thuật để sản xuất chế biến chè. Mỗi một kg chè Vân tươi hiện đang được thu mua với giá 50.000 đồng. Sau đó, sẽ được chế biến theo phương pháp truyền thống bao gồm các công đoạn: phơi héo, vò, ủ, sao, sấy, lên hương. Song, tất cả các công đoạn này đều được kết hợp với khoa học kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ về thời gian, độ ẩm, nhiệt độ bằng máy móc, để đảm bảo từng mẻ chè đều cho chất lượng tốt nhất, đồng đều nhất, cũng như đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các công đoạn vò, sao trà được thực hiện bằng máy tại Công ty Trà Vân Bản Sen.

Anh Hoàng Việt Đức, Giám đốc Công ty Trà Vân Bản Sen, chia sẻ: Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm chè Vân có chất lượng tốt nhất, để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Vân trên thị trường, không để chè mai một. Bên cạnh việc thu mua chè tươi, những người tham gia chế biến chè tại công ty chúng tôi cũng đều là những người dân Bản Sen có kinh nghiệm làm chè, kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp chế biến chè truyền thống và khoa học kỹ thuật.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, trung bình một vụ, Công ty Trà Vân Bản Sen có thể đạt sản lượng từ 300 tới 500kg chè khô. Song song với đó, để nâng tầm thương hiệu, các sản phẩm chè Vân tiếp tục được đầu tư chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng gắn với văn hóa, lịch sử thương cảng Vân Đồn.

Sản phẩm Trà Vân Bản Sen được giới thiệu tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh nhân dịp 60 năm thành lập tỉnh. 

Chè Vân hiện là một trong những giống cây được huyện Vân Đồn đưa vào Đề án phát triển các giống cây trồng bản địa giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030, đồng thời được định hướng xây dựng trở thành một sản phẩm OCOP địa phương.

Nguyễn Trang
Theo: Báo Quảng Ninh