Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong tháng 7 tại hầu hết các thị trường tiêu thụ chính. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 375 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, và đây cũng là giá trị xuất khẩu tôm cao nhất từ đầu năm đến nay, đánh dấu tháng có mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, ngành tôm đã mang về kim ngạch khoảng 2 tỷ USD.
Chế biến tôm xuất khẩu.
Tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc và EU, tháng 7 chứng kiến sự tăng trưởng ổn định. Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc giảm trong những tháng trước, cũng đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng ở ngưỡng 2 con số trong tháng 7.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 16%, đạt 89 triệu USD chỉ trong tháng 7. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt 391 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở thị trường Trung Quốc và Hong Kong, xuất khẩu tôm Việt Nam có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với năm trước. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc đang dần phục hồi, và việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đối với tôm Ecuador – đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại đây – cũng mang lại lợi thế lớn cho tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, VASEP cho biết, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí vận tải biển tăng, xung đột địa chính trị toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều vào tháng 9 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tôm trong nước từ nay đến cuối năm. Dù vậy, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược, tận dụng cơ hội ký kết hợp đồng dài hạn và tăng cường dự trữ nguyên liệu. Các doanh nghiệp hy vọng, trong những tháng cuối năm, kinh tế toàn cầu và các thị trường nhập khẩu chủ lực sẽ có dấu hiệu tích cực hơn, tạo động lực để ngành tôm đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024.