Ba Chẽ: Phát triển nhóm sản phẩm chủ lực

Sau gần 5 năm triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ phát triển 11 sản phẩm OCOP. Chương trình này đã và đang giúp ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung…

22
Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh trưng bày tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng Ninh 2018, thu hút đông khách hàng. Ảnh: Phạm Tăng

Giai đoạn 2013-2017, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ, nhân rộng 11 sản phẩm OCOP địa phương, trong đó, 4/11 sản phẩm được tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao (rượu ba kích, rượu nấm lim, hoa trà hoa vàng và trà hoa vàng dạng túi lọc). Đến thời điểm này, huyện thu hút được 4 tổ chức kinh tế đầu tư trực tiếp phát triển sản phẩm OCOP (1 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 cơ sở). Bước sang giai đoạn 2017-2020, chương trình OCOP của huyện đang tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nhân rộng quy mô, chất lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Từ năm 2009, gia đình ông Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh tham gia trồng, phát triển cây trà hoa vàng. Tuy nhiên, suốt giai đoạn 2009-2013, sản phẩm trà hoa vàng của ông chưa được thiết kế nhãn mác, bao bì, nên thương hiệu ít được người tiêu dùng biết đến; sản phẩm lúc đó chủ yếu tiêu thụ trong huyện, giá trị kinh tế không cao. Tháng 9/2014, ông Nịnh Văn Trắng đã mạnh dạn thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh – chuyên trồng và chế biến trà hoa vàng. Gần 4 năm thành lập và tham gia vào chương trình OCOP, công ty đã trồng được 3ha cây trà hoa vàng. Chỉ trong 2 năm (2016-2017), huyện đã hỗ trợ công ty hơn 430 triệu đồng mua máy sấy và máy đóng trà hoa vàng túi lọc. Không những thế, công ty còn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng thu mua trà hoa vàng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Công ty đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm theo quy mô hàng hóa lớn để vươn rộng ra thị trường. Mô hình trồng và phát triển cây trà hoa vàng của công ty xây dựng theo chuỗi khép kín từ khâu bảo tồn, nhân giống, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiếp thị. Ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, hằng năm huyện còn tạo điều kiện để các sản phẩm tham gia hội chợ OCOP. Nhờ đó, thương hiệu trà hoa vàng ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng. Trung bình mỗi năm, doanh thu bán sản phẩm của công ty đạt hơn 1 tỷ đồng (gấp 3-4 lần so với năm 2009). Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng trà hoa vàng và xúc tiến mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành khác…

Để giúp các sản phẩm OCOP xây dựng, quảng bá thương hiệu, hằng năm huyện Ba Chẽ đều hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã những thiết bị máy móc, tem, nhãn mác, bao bì… ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm. Dự kiến năm nay, huyện hỗ trợ thiết kế, bao bì, nhãn mác cho 2 sản phẩm OCOP là ba kích khô và sâm cau.

22
Năm 2017, sản phẩm rượu ba kích của HTX Kinh doanh dịch vụ Lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ được đánh giá xếp hạng đạt 4 sao. Ảnh: Thùy Loan (CTV)

Với mục tiêu đưa Ba Chẽ trở thành huyện sản xuất lâm nghiệp và dược liệu lớn của tỉnh, huyện đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng chủ lực của địa phương như: Vùng trồng cây ba kích tím 186,87ha; vùng trồng cây trà hoa vàng 53,41ha; vùng trồng cây tre mai lấy măng 46,5ha; vùng trồng mía tím 56ha; vùng trồng thanh long 23,6ha… Trong tương lai gần, đây sẽ là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cung cấp nguyên liệu đầu vào chế biến những sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ.

Hiện Ba Chẽ đang kêu gọi xúc tiến doanh nghiệp đầu tư vào dự án trồng tập trung cây ba kích tím (quy mô 1.500ha) và dự án trồng tập trung cây trà hoa vàng (quy mô 500ha). Huyện xác định đây sẽ là 2 cây trồng chủ lực, hướng tới nâng cao các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng quốc gia, đưa 2 sản phẩm này xuất khẩu trong thời gian tới.