khuôn ống tre.

Người ta vo gạo nếp, phơi hong gió thật khô; lá dong hoặc lá chuối rửa sạch, luộc, lọc nước gio ngâm kỹ; ngâm gạo nếp vào nước gio từ một đến hai giờ, sau đó vớt gạo để róc nước và trộn với ruột gấc chín; tiếp theo cuốn lá thành khuôn; đổ gạo vào khuôn, sau đó bịt miệng khuôn lại và dùng dây chuối hoặc dây đay, dây bao xé nhỏ ràng buộc bánh cho chặt; cuối cùng xếp dọc bánh vào thùng và đun cho rền lửa; khi nước sôi, giở đầu bánh dưới lên trên cho chín đều; sau hai giờ bánh chín nhũn thì vớt ra, để nơi khô ráo…

Khi ăn, bóc lần lá bọc bánh ra, lấy chính sợi dây buộc cắt bánh thành từng khẩu để vào đĩa; chuẩn bị sẵn đường kính trắng để chấm ăn. Người sành ăn thường thưởng thức bánh gio sau bữa ăn, bữa tiệc; bánh gio chín nhuyễn gạo có màu xanh vàng nhạt trong vắt và tinh khiết; Ăn thấy thơm ngon, bổ mát, dễ tiêu bởi chất béo của gạo nếp, chất kali thanh khiết của bột gio cây giá, vị ngọt bùi của trái gấc. Đấy là sản phẩm được kết tinh từ quá trình lao động, từ màu mỡ của đất, hương vị của trời, cây quả và bàn tay khéo léo của người nông dân mến khách.

Ở Quảng Yên có nhiều làng làm bánh gio, như Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Yên Đông… Nhiều gia đình như gia đình bà Nguyễn Thị Lác (Phong Hải), chị Dương Thị Tâm (Cẩm La)… coi đây là một nghề phụ gia truyền, được truyền qua nhiều đời. Vào những ngày giỗ Tết, các chợ, như: chợ Cốc, chợ Đông … rất nhiều hàng bánh gio bày bán; khách quen thường tìm vào các gia đình làm bánh gia truyền để đặt hàng.
Với đặc sản vùng đất Quảng Yên mang đậm chất vùng quê nông nghiệp, của nền văn minh lúa nước… bánh gio là một nét văn hóa ẩm thực, chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách khi về Quảng Ninh