Cao thiên môn – Sản phẩm OCOP của Quảng Yên

Không chỉ nổi tiếng bởi có các đặc sản như bánh gio, tôm sú, mật ong, gạo…, TX Quảng Yên còn có loại thảo dược thần kỳ xua tan đi mệt mỏi, ho, đau bụng… Thảo dược này có tên Cao thiên môn, năm 2015 được UBND TX Quảng Yên đưa vào danh mục những sản phẩm OCOP.

Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm cao thiên môn tại Trung tâm Giới thiệu và Bán sản phẩm OCOP Quảng Yên.
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm cao thiên môn tại Trung tâm Giới thiệu và Bán sản phẩm OCOP Quảng Yên.

Cao thiên môn là sản phẩm đã tồn tại hơn 200 năm nay ở xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên. Công dụng của nó được nhiều thầy thuốc trong lĩnh vực đông y đánh giá cao, sử dụng nhiều. Loại cao này được nấu cây thiên môn, để thành một dược liệu chữa các bệnh thường gặp trong đời sống như phế ung hư lao, ho ra máu, tiêu khát (đái tháo đường), tâm nhiệt hao tổn, tiện bí… Cây thiên môn còn có tên là dây tóc tiên, thiên môn, thiên môn đông, dù mào sam (Dao), mằn săm (Tày), co sin sương (Thái), sù sú tùng (H’mông)…

Thiên môn là loại dây leo thành bụi sống lâu năm, thân xanh, dài 1-2m, có nơi dài 4-5m. Rễ củ hình thoi có cuống dài, có những bụi đến 150 củ dài 10-50cm. Thân cây mang nhiều cành hình trụ, mọc xoắn vào nhau, nhẵn và có gai cong nhọn, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2-3cm, đầu nhọn. Lá thật nhỏ như vảy. Hoa nhỏ màu trắng mọc ở nách lá. Quả mọng hình cầu đường kính 5-6mm. Có nơi quả màu trắng ngà hoặc vàng ngà trắng, có nơi màu đỏ, vàng…

Anh Nguyễn Văn Hướng, 54 tuổi, làng Hiệp Hòa, TX Quảng Yên, cho biết: “Nhà tôi làm nghề nấu cao thiên môn đến nay được hai đời rồi. Hồi nhỏ, bố tôi nấu, tôi xem rồi tập nấu. Sau dần ông cụ truyền nghề cho tôi. Thực chất cao thiên môn là một nghề thuốc. Ngày trước làng tôi nhiều gia đình nấu lắm. Nhưng quy mô nhỏ, chỉ cốt cao thiên môn làm được đến đâu dùng trong gia đình, bán là rất ít. Bây giờ, thì nhiều người làm cao thiên môn bán rồi”.

Nghề làm cao thiên môn ở xã Hiệp Hòa có từ lâu. Quy trình làm cao ở đây đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Người dân nơi đây thường làm cao thiên môn vào những tháng cuối năm. Thu mua, chọn lựa được nguyên liệu làm cao thiên môn cũng đòi hỏi người phải có hiểu biết nhất định về loại cây này. Thường vào những tháng 10, tháng 11 dương lịch, họ ra tận các đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… để thu mua được củ cây thiên môn. Do thổ nhưỡng ở vùng Hiệp Hòa không tốt, nên cũng đã có nhiều người trồng thử nghiệm, nhưng chất lượng củ nấu thành cao không như ý muốn. Vào độ tháng 12, lúc này củ thiên môn cho chất lượng tinh dầu cao nhất nên họ nấu cao vào thời điểm này. Chế biến cao thiên môn cũng khó, đòi hỏi người có tính kiên trì và cẩn thận. Đầu tiên, củ thiên môn thu mua về cho hấp cách thủy giống như đồ xôi. Mục đích của việc này là để tách lớp vỏ thô ráp bám bên ngoài củ thiên môn. Sau khi củ thiên môn được “cởi áo”, thì lại cho vào phơi ngôn ngốt, sau đó rút ruột lấy lõi. Tiếp đến cho vào xào kỹ trên lửa đến lúc có mùi thơm; rồi đổ ngập nước, đun sôi, gạn lấy nước. Công việc này đòi hỏi người thợ cần tỉ mỉ lọc những sạn, chất bẩn của củ còn sót lại, lấy nước tinh, lọc đi lọc lại tới 6 lần. Khoảng 4 ngày, 4 đêm là được nước cất của cao thiên môn. Sau đó, họ cho mật ong vào nước cao nấu để nguội. Sản phẩm thu được đó là cao thiên môn. Loại cao này có thể để được từ một đến hai năm. Bên cạnh đó, cao thiên môn cũng kết hợp với những vị thuốc khác để chữa các bệnh như ho, hen suyễn, đau bụng…

Anh Nguyễn Văn Hướng chia sẻ thêm: Trước đây, bố tôi hay bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, sử dụng cao thiên môn rất nhiều. Còn nhớ, ngày trước trên Phương Nam, TP Uông Bí người dân họ cũng trồng rất nhiều cây này. Nhưng đến nay cây thiên môn chỉ có thể đi thu mua được ở những đảo để về chế biến cao. Nghề nấu cao thiên môn này là nghề truyền thống của xã Hiệp Hòa. Cho đến nay, sản phẩm này đã được chính thức công nhận là sản phẩm OCOP TX Quảng Yên.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh