Là huyện vùng cao của tỉnh, lương thực, thực phẩm phục vụ người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ chủ yếu nhập từ các địa phương khác, do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Từ thực tế này, công tác đảm bảo VSATTP ở Ba Chẽ được cả hệ thống chính trị quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi cùng đi với đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Chẽ đến kiểm tra VSATTP tại chợ phiên xã Lương Mông. Nằm giáp với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) nên chợ có rất đông người từ tỉnh ngoài đến đây mua bán trao đổi hàng hóa. Do vậy, việc tuyên truyền, phối hợp với kiểm tra thường xuyên rất cần được chú trọng, để tránh các sản phẩm kém VSATTP được đưa vào Lương Mông hay từ Lương Mông đưa sang tỉnh bạn. Đồng chí Triệu Đức Phượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết: “Trong đợt kiểm tra vừa qua, do người dân được tuyên truyền nên hầu hết đã chấp hành tốt các quy định về VSATTP. Mới có 3 cơ sở bị xử lý các lỗi do bán hạt giống không rõ nguồn gốc ở các xã Đạp Thanh, Lương Mông và thị trấn Ba Chẽ. So với năm trước, các cơ sở vi phạm ít hơn nhiều”.
![]() |
Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP huyện Ba Chẽ phát hiện, xử phạt một trường hợp bán 51 gói hạt giống không rõ nguồn gốc cuối tháng 5 vừa qua tại chợ phiên xã Lương Mông. |
Song song với việc kiểm tra VSATTP trên địa bàn, các đơn vị chức năng của huyện đã hướng dẫn đảm bảo điều kiện ATTP cho 8 cơ sở giết mổ lợn; chứng nhận 3 cơ sở đủ điều kiện về ATTP gồm HTX kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ, Tổ hợp tác ong mật thị trấn Ba Chẽ, Cửa hàng lâm thổ sản; kiểm tra, đánh giá xếp loại 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Ba Chẽ là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP như trà hoa vàng, thanh long ruột đỏ, rượu ba kích, mía… nếu như để xảy ra mất ATTP thì rất nguy hại, vì khách hàng sẽ từ chối không mua, đồng nghĩa với sản phẩm không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến đời sống những người sản xuất ra sản phẩm này. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai 16 lớp tập huấn kỹ thuật phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, 1 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây thanh long cho gần 1.000 lượt đối tượng là những người trực tiếp sản xuất tham gia. Bên cạnh đó, huyện còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua băng zôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh – truyền hình huyện, để từ đó nâng cao ý thức người sản xuất để cho ra những sản phẩm an toàn.
![]() |
Khu vực nấu ăn của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Chẽ luôn được vệ sinh sạch sẽ. |
Ngành Giáo dục Ba Chẽ cũng đã rất đề cao công tác VSATTP. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 22 trường học, thì có tới 19 trường có bếp ăn tập thể, cùng 37 điểm trường mầm non có bếp ăn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Hằng năm, phòng đều xây dựng kế hoạch về thực hiện VSATTP cho các trường học. Định kỳ phối hợp với các cơ quan liên ngành đi kiểm tra bếp ăn các trường, hầu hết các trường đều thực hiện tốt. Đối với trường có quỹ đất, chúng tôi khuyến khích giáo viên tự trồng rau xanh cung cấp cho các bếp ăn”.
Chúng tôi đến thực tế tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Chẽ, trường có 230 học sinh đều ăn nội trú. Cô giáo Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi chỉ hợp đồng lấy thực phẩm của các đơn vị có chứng nhận về VSATTP; người nấu ăn có chứng chỉ học nấu ăn và hằng năm được khám sức khỏe định kỳ, phải lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Nhà trường cũng có nhân viên y tế kiểm tra nguồn thực phẩm nếu không đảm bảo về VSATTP thì trả lại ngay…”.
Từ nhiều cách làm hiệu quả, việc đảm bảo VSATTP trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang được thực hiện ngày một tốt.