Đến huyện Vân Đồn những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi đã thấy lác đác những cánh hoa đào nở dọc các con đường. Với vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, đào phai Vân Đồn đã và đang trở thành thương hiệu riêng có của huyện đảo, đem về nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.
Đào phai Vân Đồn khoe sắc. |
Đào phai là giống cây bản địa. Ngay cả những người dân Vân Đồn chính gốc cũng không ai biết đào phai được trồng ở đây từ bao giờ và cũng không ai biết từ bao giờ Vân Đồn đã nổi tiếng là “đất đào phai”. Đào phai Vân Đồn có vẻ đẹp đặc trưng: Khi mới nở, hoa đào có màu hồng, sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa có màu tím phớt trông rất đẹp. Một điểm khác biệt của đào phai Vân Đồn mà người chơi ưa thích là dáng vẻ cằn cỗi, tự nhiên, thân cành xù xì, cổ kính, có lẽ là do điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng biển đảo.
Những năm gần đây, người dân đã thường sử dụng kỹ thuật chiết, ghép, nối để trồng đào, hoặc trồng đào bằng phương pháp ươm hạt truyền thống. Được biết, huyện Vân Đồn hiện có khoảng trên 70ha đất trồng đào, tập trung chủ yếu ở xã Hạ Long, số còn lại được trồng ở các xã: Đông Xá, Bình Dân, Đoàn Kết và thị trấn Cái Rồng. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, sự cần cù chịu khó học hỏi của người dân, nghề trồng hoa đào ở đây đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngay từ tháng Chạp, đào đã được các chủ buôn tìm đến đặt hàng, hoặc đến gần Tết, khách hàng từ các nơi tìm đến tận vườn để mua chứ không cần chặt cành đem bán như các nơi khác. Khách mua đào chủ yếu từ Hạ Long, Cẩm Phả và TP Hải Phòng. Dự kiến lượng đào cung cấp cho thị trường năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Do đó, trong điều kiện đầu tư thấp, nhiều hộ đã có thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm từ việc trồng đào. Những hộ có đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt có thể đạt thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Văn Thanh, thôn 6, xã Hạ Long tỉa lá cho cây đào. |
Trồng đào không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn về phát triển nguồn gen thực vật quý, nét văn hoá của địa phương, xây dựng sản phẩm du lịch. Vì vậy, từ năm 2013, huyện đã xây dựng “Dự án phát triển sản xuất hoa đào chất lượng cao tập trung, giai đoạn 2013-2020” hướng tới xây dựng thương hiệu cho cây đào Vân Đồn. Đồng thời, quy hoạch các vùng trồng đào tập trung, hỗ trợ nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng cũng như phát triển thương hiệu đào phai.
Nhằm thúc đẩy quảng bá đào phai Vân Đồn, dịp Tết Nguyên đán năm nay là lần đầu tiên Vân Đồn tổ chức Chợ hoa xuân. Chợ hoa sẽ được tổ chức tại Khu tái định cư, thuộc thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, dự kiến từ ngày 31/1 đến 15/2 (tức từ 15 đến 30 tháng Chạp). Chợ hoa sẽ trưng bày và bán các sản phẩm thương hiệu đào phai Vân Đồn, các loại cây cảnh, hoa quả, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Cán bộ Hội Nông dân xã trao đổi với người dân về chăm sóc đào. |
Năm nay, thời tiết ấm khiến một số diện tích đào nở sớm, do đó, thời điểm này, trên các sườn đồi, ven đường, giữa các thôn xóm… người trồng đào ở Vân Đồn đang tất bật chăm sóc, tỉa cành, vun gốc, hạn chế tưới nước để điều khiển hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Với kinh nghiệm lâu năm, mỗi hộ trồng đào nơi đây đều có những bí quyết riêng.
Thông thường từ trước Tết hơn một tháng, người dân bắt đầu tuốt hết lá để cây nuôi nụ, những lộc non còn sót lại cũng được người trồng tỉ mỉ tỉa bớt, riêng những bông hoa đào nở trước chỉ để lại một vài bông để điểm cây, còn lại tỉa bớt cho hoa ra đều đẹp mắt hơn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn đào của gia đình, ông Đỗ Văn Thanh, thôn 6, xã Hạ Long cho biết: Những năm gần đây, đào là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện gia đình tôi trồng trên 500 gốc đào các loại, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình hiện còn một số gốc đào trên 10 năm tuổi có giá trị kinh tế cao. Hết vụ đào Tết, gia đình tiếp tục trồng thêm lớp đào mới. Gia đình vẫn giữ phương pháp trồng đào truyền thống là ươm giống từ trồng cây con đến khi cho hoa. Nghề trồng đào không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho người dân mà còn phát triển cây bản địa, đem đến vẻ đẹp cho chính quê hương. Vì vậy, người dân huyện đảo ai ai cũng hồ hởi tham gia trồng đào.
Nguồn: Báo Quảng Ninh