Thời gian qua, mặc dù tỉnh, ngành đã rất nỗ lực thắt chặt quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này cho thấy phải có sự quyết tâm, sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn để cải thiện một cách rõ nét công tác này.
Báo cáo về công tác ATTP trong nông nghiệp của tỉnh năm 2017 đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng bởi số cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp được kiểm tra chỉ đạt trên 50% kế hoạch; cấp giấy chứng nhận cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP đạt 34,4%; ký cam kết sản xuất an toàn với cơ sở sản xuất ban đầu đạt 66,4%…
![]() |
Sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP tại cơ sở 188 Green Farm Mạo Khê. |
Sản xuất nhỏ lẻ – quản lý khó
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện khâu yếu, việc khó trong lĩnh vực đảm bảo ATTP nông nghiệp vẫn là quản lý các cơ sở nông hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và các hộ tiểu thương bán lẻ trong các chợ nông thôn.
Hiện toàn tỉnh có 18.017 cơ sở sản xuất ban đầu, trong đó số cơ sở quy mô vừa và lớn là 3.516, chiếm gần 20%; 14.501 cơ sở còn lại, bằng trên 80% đều có quy mô nhỏ, do nông hộ sản xuất. Theo phân cấp, cấp tỉnh, huyện quản lý các cơ sở quy mô vừa và lớn, cấp xã triển khai các hoạt động quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Trong đó trọng tâm là việc ký cam kết sản xuất an toàn, vốn có ý nghĩa như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh mới ký cam kết sản xuất an toàn với 9.630 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, chiếm 66,4%. Như vậy vẫn còn trên 33% với 4.871 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chưa được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Trong khi đó tất cả sản phẩm của các cơ sở SXKD nông sản này đều đưa ra thị trường, đi vào bữa ăn của mỗi gia đình, gây nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Riêng huyện Hải Hà vốn là nơi sản xuất rau xanh với số lượng lớn để cung cấp cho khu vực miền Đông, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn trên địa bàn và TP Móng Cái, tuy nhiên tỷ lệ ký cam kết sản xuất an toàn với các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đến thời điểm này mới chỉ đạt 3,3% số hộ.
Thu hoạch tôm tại cơ sở nuôi Công ty CP Thủy sản cát Phú Hải, TP Móng Cái. |
Không chỉ tỷ lệ ký cam kết sản xuất an toàn với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thấp mà công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết của các cơ sở dường như chưa được các địa phương thực hiện trong thời gian qua. Việc này xuất phát từ chế tài của nhà nước chưa đầy đủ, chưa có quy định cứng về sự cần thiết phải kiểm tra lại và tần suất kiểm tra lại. Bên cạnh đó việc bố trí nhân, vật lực cho nhiệm vụ này của các đơn vị cấp xã còn hạn chế, nhiều nơi thiếu và yếu. Chính vì thế có không ít các xã quản lý ATTP đối với các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo cách đối phó, làm cho có, có nơi bỏ qua.
Cùng với đó, có một thực tế hàng hóa lưu thông tại các cơ sở bán lẻ nông sản trong các chợ, nhất là chợ nhỏ ở khu vực nông thôn hầu như không có nguồn gốc xuất xứ. Việc này do thói quen của cả người bán và mua hàng, không coi trọng việc lưu giữ hóa đơn giấy tờ hay ghi chép nhật ký xuất, nhập hàng hóa theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đây là một kẽ hở, gây khó khăn trong công tác quản lý, bởi sẽ không thể loại trừ được các sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở chưa ký cam kết an toàn tiêu thụ trên thị trường, nghiêm trọng hơn trong trường hợp xảy ra sự cố mất ATTP sẽ khó có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm cũng như quy trách nhiệm.
Lực lượng chức năng TP Uông Bí hướng dẫn tiểu thương chợ Trung tâm thành phố ghi nhật ký xuất, nhập hàng hóa. Ảnh: Cao Quỳnh |
Cần sự vào cuộc từ cơ sở
Theo đánh giá của tỉnh, thời gian qua, mặc dù đã quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo VSATTP, trong đó liên tiếp 2 năm 2016 và 2017 Quảng Ninh phát động Năm cao điểm đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên dấu ấn quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước còn khá mờ nhạt, đặc biệt là đối với các đơn vị cấp huyện, xã.
Trong năm 2017, ngoại trừ phường Phương Nam (TP Uông Bí) tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cho quả vải chín sớm Phương Nam, còn lại chưa có huyện, xã nào có hoạt động cụ thể, độc lập trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nông sản đạt chất lượng cao hay sản phẩm OCOP là nông sản. Đối với việc lấy mẫu giám sát ATTP, duy có huyện Hoành Bồ thực hiện 6 mẫu, 13 địa phương còn lại chưa triển khai. 11 địa phương không hoàn thành kế hoạch trong việc kiểm tra cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, trong đó TX Đông Triều, trung tâm sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả thấp nhất, đạt 2,3% kế hoạch. Đây cũng là địa phương mới đây đã được ghi nhận có tình trạng lưu hành thuốc BVTV nhãn hiệu Antracol 70WP có dấu hiệu làm giả sản phẩm cùng loại do Công ty TNHH BAYER Việt Nam sản xuất.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận ATTP, duy chỉ có thị xã Quảng Yên đạt chỉ tiêu, 13 địa phương còn lại đều đạt thấp, trong đó 3 địa phương Móng Cái, Cô Tô, Ba Chẽ chỉ đạt dưới 5% kế hoạch. Toàn tỉnh chỉ có 4 địa phương là Hạ Long, Quảng Yên, Tiên Yên và Đầm Hà có thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản, song kết quả nhỏ bé với 30 cơ sở, phát hiện sai phạm ở 10 cơ sở, xử lý vi phạm 4,4 triệu đồng; 10 địa phương còn lại chưa thực hiện. Riêng đối với nhiệm vụ ký cam kết sản xuất an toàn đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, vốn là nhiệm vụ quan trọng nhất, tuy nhiên như đã nói ở trên kết quả đạt được thấp, hiện vẫn còn đến 4.871 cơ sở chưa ký cam kết. Riêng việc kiểm tra lại sau ký cam kết chưa có địa phương nào làm.
Năm 2017, phường Phương Nam (TP Uông Bí) là địa phương cấp xã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại nông sản. |
Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, tình trạng trên là bất cập rất lớn trong công tác đảm bảo ATTP nói chung và ATTP trong nông nghiệp nói riêng. Bởi thực tế với đặc thù nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đang cung ứng đến 80% sản phẩm nông sản trên thị trường. Bên cạnh đó cấp các đơn vị quản lý cấp xã, huyện vốn sát thực tế sản xuất nhất, có vai trò quan trọng và quyết định đến hiệu quả công tác đảm bảo ATTP. Chính bởi vậy một khi cấp huyện, xã chưa thực sự vào cuộc, chưa nêu cao trách nhiệm của mình thì công tác đảm bảo ATTP vẫn còn tồn tại, hạn chế, thực phẩm không an toàn vẫn có đất sống, tác động tiêu cực, trực tiếp đến người tiêu dùng và nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh.