Quảng Ninh hiện có 210 sản phẩm OCOP của 180 tổ chức kinh tế sản xuất, hiện đang được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để các sản phẩm có chỗ đứng vững chắc thì vẫn cần một cầu nối giữa người sản xuất và tiêu thụ.
Để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc thì vẫn còn một cầu nối giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, mặc dù đã đạt được không ít thành công, song chương trình OCOP vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trong đó, hệ thống cán bộ thực hiện OCOP từ tỉnh đến huyện mới bước đầu được hình thành, chủ yếu là kiêm nhiệm, một số chưa hiểu sâu về chương trình nên còn thiếu tính chuyên nghiệp. Trong số 180 đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, đa phần là các tổ chức kinh tế vừa và nhỏ nên trình độ quản trị, sản xuất, quảng bá sản phẩm còn thấp. Đặc biệt, tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, hầu hết đều phụ thuộc vào các kỳ hội chợ do tỉnh và địa phương tổ chức.
Bên cạnh đó, kênh thu thập thông tin phản hồi từ người tiêu dùng về sản phẩm như: Chất lượng, bao bì, tính tiện dụng của sản phẩm… chưa được thiết lập. Do đó, việc điều chỉnh, thay đổi, hoàn thiện các sản phẩm OCOP để đáp ứng sở thích, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng còn chưa kịp thời, không đảm bảo năng lực cạnh tranh, hạn chế tiêu thụ. Còn theo đại diện của BigC Hạ Long, hiện có gần 20 sản phẩm OCOP đã và đang được kết nối tiêu thụ tại đây. Tuy nhiên, khâu kết nối giữa các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn với các kênh phân phối, siêu thị, thị trường tiêu thụ theo hướng thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản còn là khâu yếu. Các đơn vị sản xuất chưa kết nối với nhau, mạnh ai nấy làm, chưa liên thông với thị trường tiêu thụ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho BigC Hạ Long và hệ thống phân phối khác trong việc đảm bảo nguồn hàng cung ứng ổn định, lâu dài, thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi xuất phát điểm từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, đơn vị thiếu các kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… Vì vậy, đơn vị cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng đơn vị tiêu thụ được 1.000 – 2.000 sản phẩm các loại. Song hầu hết các đơn hàng đều nhỏ lẻ, không ổn định. Đây cũng là khó khăn chung của phần lớn các đơn vị sản xuất OCOP hiện nay nên rất cần có một đơn vị điều phối và cung ứng sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được bày bán tại Siêu thị BigC Hạ Long. |
Từ thực tế nêu trên cùng kinh nghiệm của chương trình OTOP (Thái Lan) thì việc hình thành trung tâm điều phối và cung ứng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh là rất cần thiết, đặc biệt là đưa các sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường trong cả nước, từng bước hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thành lập mới các đơn vị trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp bởi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư, tuyển dụng lao động, bố trí trụ sở…
Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương là đơn vị có hoạt động liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Do đó, Trung tâm có các điều kiện thuận lợi thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ cung ứng và điều phối các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ làm đầu mối kết nối, thu thập thông tin, nhu cầu cung ứng sản phẩm của hệ thống siêu thị, đại lý, hệ thống phân phối và liên hệ với các đơn vị sản xuất. Một số trường hợp có thể đại diện ký kết hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm, thanh quyết toán kinh phí. Đồng thời, thu thập thông tin, phản ánh, điều chỉnh kịp thời những phản hồi từ người tiêu dùng đối với sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Việc bổ sung nhiệm vụ cung ứng và điều phối sản phẩm OCOP cho Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ khơi thông nút thắt kết nối giữa các đơn vị sản xuất với các kênh tiêu thụ theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, đảm bảo không phát sinh bộ máy, tạo nguồn thu, nâng cao đời sống người lao động. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2017 – 2020.
Nguồn: Báo Quảng Ninh