Độc đáo tranh bột điệp

Bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, anh Đinh Công Tuyến, trú tại khu 5, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên, đã “thổi hồn” nghệ thuật cho những chiếc vỏ điệp tưởng như không còn giá trị sử dụng, trở thành sản phẩm tranh độc đáo. Không chỉ là món quà lưu niệm đẹp mắt, năm 2016, những bức tranh phủ bột điệp của anh Tuyến được công nhận là sản phẩm OCOP của thị xã, được nhiều người yêu nghệ thuật trong và ngoài tỉnh biết đến.

Anh Đinh Công Tuyến sáng tác tranh bột điệp.
Anh Đinh Công Tuyến sáng tác tranh bột điệp.

Bên cạnh công việc giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại Trường THCS Sông Khoai (TX Quảng Yên), anh Tuyến vẫn duy trì công việc sáng tác tranh và mở một phòng tranh nhỏ tại phường Quảng Yên. Những bức tranh sơn dầu được vẽ theo yêu cầu, phòng tranh nhỏ này chủ yếu trưng bày những tác phẩm tranh bột điệp do anh Tuyến sáng tác.

Anh tâm sự: “Năm 2014, tôi cùng học sinh trong trường tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học với dự án về Tạo tấm ép trang trí từ bột điệp. Ngoài thành tích giải nhất cấp tỉnh, giải ba toàn quốc, dự án này còn cho tôi cảm hứng để vận dụng vào việc vẽ tranh một cách đầy sáng tạo, mới mẻ mà trước đó chưa từng nghĩ tới. Vỏ điệp vốn mỏng, có ánh xà cừ lấp lánh rất đẹp nên tôi nảy ra ý định nghiền thành bột rồi phủ lên tranh vẽ để tạo điểm nhấn độc đáo cho tranh. Ý tưởng đến với tôi rất nhanh nhưng khi bắt tay vào làm thì gặp rất nhiều khó khăn. Phải trải qua không ít lần thử nghiệm không được như ý, tôi đã rút ra kỹ thuật hiệu quả nhất để kết hợp bột vỏ điệp với màu vẽ và keo nhựa, cho ra sản phẩm đẹp, trau chuốt đến từng chi tiết”.

Theo kinh nghiệm của anh Tuyến, để giữ được màu sáng ánh bạc đặc trưng thì vỏ điệp phải được nướng ở nhiệt độ khoảng 800 độ C trong thời gian 1 phút, sau đó đưa vào máy nghiền. Quá trình nghiền cũng chỉ làm trong khoảng thời gian nhất định, vừa đủ để thu được 2 loại gồm bột mịn và bột thô với công dụng khác nhau: Bột mịn vừa có tác dụng phủ toàn bề mặt tranh, vừa tạo độ nhám trên tấm mica mỏng (là mặt phẳng để vẽ) để kết dính với màu sơn; bột thô với những mảnh vỏ điệp còn trông thấy được sẽ dùng để tạo điểm nhấn cho phần chi tiết quan trọng của tranh. Việc sử dụng linh hoạt hai loại bột này phụ thuộc nhiều vào tài năng, ý đồ của hoạ sĩ. Cuối cùng là sử dụng keo nhựa epoxy để tráng từng lớp mỏng lên toàn bộ tranh, khi đông cứng lại sẽ cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Việc pha trộn keo nhựa với chất đóng rắn cũng tuân theo tỷ lệ chính xác để không quá mềm gây nhũn tranh, không quá cứng khiến tranh dễ gãy vỡ mà vẫn giữ được độ trong suốt. Như vậy thì màu sắc tranh và ánh xà cừ đặc trưng của bột điệp mới không bị ảnh hưởng, vừa sinh động không thua gì tranh bột màu hay sơn mài, vừa có độ bền cao. Tranh bột điệp lúc này vừa mang tính nghệ thuật, vừa là một món quà lưu niệm đẹp, ý nghĩa cho du khách khi đến Quảng Ninh. Các đề tài sáng tác của anh Tuyến rất đa dạng, từ tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh quê hương Quảng Yên, Vịnh Hạ Long cho đến các bộ tứ linh, tứ quý… với giá từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng tuỳ kích cỡ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Bên cạnh công việc dạy học, anh Tuyến tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tiếp tục sáng tác tranh bột điệp về phong cảnh, những di tích lịch sử, văn hoá đặc trưng của vùng đất Quảng Yên. Anh dự định khi đủ điều kiện sẽ mở cuộc triển lãm để giới thiệu dòng sản phẩm này cho nhiều người biết đến hơn nữa, đồng thời góp phần quảng bá cho văn hoá và du lịch của địa phương.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh