Xác định vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, Đông Triều đã quan tâm chỉ đạo gắn với trách nhiệm người đứng đầu; hoạt động KH&CN bước đầu được cụ thể hóa vào nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị. Địa phương cũng đã phối hợp tốt với các ngành của tỉnh, cơ quan nghiên cứu đưa tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Một số nghiên cứu về ứng dụng KH&CN đã được triển khai và mang lại kết quả đáng kể…
![]() |
Vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm sứ tại Xí nghiệp Sứ Đông Triều (phường Kim Sơn, TX Đông Triều), một trong những cơ sở hiện đang sử dụng lò gas trong sản xuất gốm sứ mỹ nghệ tại Đông Triều. |
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Đông Triều có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, cũng là địa phương có những doanh nghiệp KHCN tiên phong của tỉnh, đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty TNHH Long Hải… Gần đây nhất, việc liên kết nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trên địa bàn cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh tại xã Hồng Thái Tây và Hoàng Quế có diện tích 106ha. Năm 2017, dự án đã triển khai xây dựng, đưa vào sản xuất trên diện tích nhà kính 4,1ha, nhà màng 3,8ha, nhà lưới 4,3ha và sản xuất ngoài đồng ruộng là 45ha. Các loại cây trồng chính gồm cà chua, su hào, cải bắp, bí ngô, bầu, rau cải các loại, đậu đỗ… cho sản lượng đạt trung bình 4 tấn/ngày, dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Hạ tầng nơi đây cũng đã được đầu tư với đường giao thông, kênh mương, hệ thống xử lý nước sạch cho bảo quản sau thu hoạch.
![]() |
Cam canh Đông Triều hiện đang được thị xã lập dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cùng với sản phẩm vải thiều Đông Triều. |
Cùng với đó, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh cũng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giống lúa nếp cái hoa vàng nguyên chủng. Đơn vị đã đầu tư giống lúa này cho 4 xã Yên Đức, Hoàng Quế, Hồng Phong, Nguyễn Huệ với quy mô thực hiện 51,6ha, năng suất, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Công ty Orion Hàn Quốc cũng đã đưa giống khoai tây mới vào nghiên cứu và nhân rộng trên đồng đất Đông Triều với diện tích 170,4ha, cho năng suất đạt 16,5 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng hiện có của địa phương từ 20-25%. Trong những năm tới, dự kiến Công ty tiếp tục liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích từ 190-200ha với khoảng 2.250 tấn/năm. Thời gian qua, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng đã nghiên cứu xây dựng dữ liệu bản đồ nông hóa – thổ nhưỡng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở tạo thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tại địa phương.
![]() |
Mô hình trồng rau thuỷ canh của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188 tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều. |
Để chủ động phát triển thị trường, mở rộng hợp tác về KH&CN, Đông Triều đã xác định địa bàn, đối tác, nhà đầu tư, sản phẩm chiến lược của địa phương. Theo đó, địa bàn chiến lược của địa phương là phường Mạo Khê, Kim Sơn và một số xã được quy hoạch phát triển các cụm, khu công nghiệp. Thị xã tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đất sét nung, gốm sứ mỹ nghệ đổi mới dây chuyền để nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay đã xuất khẩu tới 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đông Triều chỉ đạo đầu tư Khu dừng nghỉ và giới thiệu sản phẩm du lịch tại xã Bình Dương, quy mô khoảng 100ha để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ; phê duyệt Dự án sản xuất vải thiều, na dai Đông Triều theo quy trình VietGAP tại 3 xã Bình Khê, An Sinh, Việt Dân, bắt đầu triển khai trong năm nay…
Nâng cao tiềm lực KHCN
Để thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, Đông Triều cũng huy động mọi nguồn lực nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN cho địa phương. Năm 2017, thị xã đã phân khai 525 triệu đồng để thực hiện dự án xây dựng nhãn hiệu cho 2 sản phẩm cam canh và vải thiều Đông Triều, dự kiến sẽ nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vào đầu năm 2019. Năm nay, thị xã đã phân bổ ngân sách dành cho hoạt động KH&CN là 2,4 tỷ đồng, hiện đang xét hồ sơ của 7 đơn vị đăng ký đề xuất, trình Hội đồng KH&CN thị xã thẩm định, phê duyệt để thực hiện các bước theo quy định.
![]() |
Khu du lịch Quảng Ninh Gate thuộc dự án Khu dừng nghỉ và giới thiệu sản phẩm du lịch tại xã Bình Dương, được thị xã chỉ đạo đầu tư nhằm phát triển dịch vụ trên địa bàn. |
Thị xã cũng khuyến khích hoạt động tự nghiên cứu, hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cả với các nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước. Qua đó đã chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất được nhiều giống lúa chất lượng cao, như: NT01, TĐ02, Hương Biển 3, DQ11. Các Công ty CP Sữa An Sinh, Sữa Đông Triều đã ứng dụng chuyển giao thực hiện công nghệ thanh trùng sữa tươi, lên men vi sinh sữa chua, làm váng sữa, sản xuất bánh sữa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến cho hiệu quả kinh tế cao. Rồi mô hình ứng dụng công nghệ để thâm canh tăng năng suất na dai thương hiệu, ứng dụng chế phẩm sinh học probiotic bền nhiệt trong chăn nuôi lợn thịt để giảm kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, giảm mùi hôi chuồng trại…
Song song với đó, người chăn nuôi tự nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như bà con tại Bình Khê đã nghiên cứu ứng dụng máy vắt sữa (giảm thời gian vắt sữa, hạn chế vi sinh vật xâm nhập so với vắt sữa bằng tay), máy thái cỏ vào chăn nuôi bò sữa (giảm ngày công, tăng năng suất); hệ thống nước làm mát (tạo môi trường phù hợp, ổn định trong chăn nuôi lợn, lợn nhanh lớn, tránh bị sốc nhiệt), hệ thống chuồng kín vào sản xuất chăn nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp (hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh); ứng dụng chế phẩm sinh học vào khử mùi hôi, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn…
![]() |
Sản phẩm sữa chua của Công ty CP Sữa Đông Triều thu hút đông đảo người dân tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng Ninh 2018. |
Kết quả đã rõ, tuy nhiên qua đánh giá của địa phương cũng cho thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới đây. Đó là hoạt động nghiên cứu KH&CN triển khai chưa có định hướng rõ ràng, mặc dù các đề tài đều xuất phát từ yêu cầu thực tế và hướng vào giải quyết các vấn đề bức xúc của cơ sở. Các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm khá đa dạng nhưng hiệu quả áp dụng thực tế thấp. Các mô hình phát triển kinh tế có ứng dụng KHCN tuy nhiều nhưng quy mô nhỏ, thường chỉ phục vụ một lĩnh vực cụ thể, nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế tổng hợp. Việc ứng dụng các mô hình vào thực tế, nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn…