Đã trở thành hoạt động thường niên, mỗi dịp Tết đến xuân về, tỉnh Quảng Ninh lại tổ chức Hội chợ OCOP. Hội chợ năm nay càng được người tiêu dùng háo hức, mong chờ hơn bởi có sự góp mặt của nhiều sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, thậm chí của cả Hàn Quốc, Thái Lan…
Gian hàng OCOP Vân Đồn thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. |
Với chủ đề “Thương hiệu OCOP Quảng Ninh – Hội tụ và lan tỏa”, Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2018 được tổ chức từ ngày 7 đến 12/2, tại Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh. Hội chợ có quy mô 197 gian hàng. Trong đó có: 110 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh; 60 gian của 25 tỉnh, thành phố trong nước, 12 gian là các đối tác của chương trình OCOP, 25 gian hàng đến từ Hàn Quốc, Thái Lan.
Đáng chú ý, trong thời điểm hầu khắp các địa phương trên cả nước đều tổ chức hội chợ xuân thì Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2018 vẫn thu hút lượng lớn các gian hàng trong và ngoài nước. Sự tham gia tích cực này đã khẳng định sức hút cũng như từng bước nâng tầm hội chợ.
Bên cạnh đó, tại khuôn viên của Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh còn diễn ra Hội chợ Hoa xuân Hạ Long 2018, văn nghệ “mừng Đảng – mừng Xuân”, tri ân khách hàng… Qua đó, hội chợ không chỉ là điểm mua sắm phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, mà còn có khu vực vui chơi, giải trí, tạo khí thế phấn khởi những ngày đầu xuân. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất OCOP giao lưu, học hỏi, xúc tiến thương mại.
Sản phẩm bánh ngàn lớp hải sản của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh. |
Giống như các kỳ hội chợ OCOP trước, vấn đề chất lượng, niêm yết giá, bao bì sản phẩm… tiếp tục được tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, Ban tổ chức hội chợ đã bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn. Đồng thời, chỉ đạo Đội QLTT số 5 thường xuyên giám sát việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết nhằm ổn định giá bán trong suốt những ngày diễn ra.
Tại hội chợ lần này, Ban tổ chức hội chợ đã công khai số điện thoại đường dây nóng của Phòng Quản lý thương mại, Đội QLTT số 5 để kịp thời tiếp nhận thông tin, phản ánh, góp ý của người dân.
Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, ngay từ khâu sản xuất, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đều chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, phần lớn các sản phẩm tham gia hội chợ đều đã dán tem VNPT check như: Hàu sữa chưng thịt, bánh đa gia truyền Tuấn Anh, miến dong Bình Liêu… Thông qua VNPT check, các đơn vị cung cấp tới người tiêu dùng thông tin về sản phẩm như: Nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất… Qua đó, hạn chế việc mua phải những sản phẩm giả hoặc biết thêm các khuyến cáo về hàng hết hạn sử dụng.
Để bảo vệ thương hiệu “Gà Tiên Yên”, huyện Tiên Yên đã gắn bộ công cụ nhận diện cho các sản phẩm gà của địa phương. Bộ công cụ trên là một chiếc vòng (nhẫn) gắn ở chân gà, có gắn tem truy xuất nguồn gốc thương hiệu gà Tiên Yên được đăng ký độc quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam. Qua đó, cơ quan quản lý có thể truy xuất hộ chăn nuôi, ngày tiêm phòng, thời gian nuôi, thời gian xuất bán đối với từng sản phẩm.
Lực lượng QLTT thường xuyên giám sát việc niêm yết giá tại các gian hàng trong hội chợ. |
Tại hội chợ OCOP lần này, một số sản phẩm mới của các địa phương, lần đầu tiên được góp mặt như: Bánh đa gia truyền Tuấn Anh, rau thủy canh 188, viên tinh bột nghệ, mực rim me…
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội chợ, hầu hết sản phẩm tham gia đều được nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, đa dạng về chủng loại theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, từng bước hướng tới thương hiệu quốc gia.
Với sự chuẩn bị tích cực của các địa phương, các sản phẩm OCOP đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng, không còn tình trạng “cháy hàng” như các kỳ hội chợ trước. Cùng với đó, các sản phẩm quảng bá tại hội chợ lần này đa dạng, phong phú, bắt mắt song tập trung chủ yếu vẫn là dòng sản phẩm phục vụ cho Tết cổ truyền dân tộc như: Miến dong, nấm hương, gà, bánh chưng, hoa quả….
Theo thống kê của Ban tổ chức hội chợ, chỉ tính riêng tối khai mạc (7/2), hội chợ đã thu hút trên 9.500 lượt người tới tham quan, mua sắm; tổng doanh thu bán hàng đạt trên 1,7 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán hàng của 14 địa phương trong tỉnh đạt hơn 771 triệu đồng. TX Đông Triều là địa phương có doanh thu cao nhất, đạt 104,2 triệu đồng, huyện Ba Chẽ đạt doanh thu 70 triệu đồng. Đây là con số rất đáng phấn khởi đối với các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia hội chợ. Qua đó, khẳng định thành công của hội chợ; tạo động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khẳng định vai trò cầu nối giữa cá nhân, tổ chức sản xuất và người dân; tiếp tục quảng bá thương hiệu OCOP Quảng Ninh.