Trong những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã được Hội Nông dân huyện Hải Hà triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia và tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Để giúp hội viên phát triển sản xuất, các cấp hội đã chủ động khai thác các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các ngân hàng và đóng góp của hội viên cho nông dân vay phát triển sản xuất. Từ năm 2014 đến năm 2017, Hội đã tạo điều kiện cho 7.131 hộ nông dân vay 232,88 tỷ đồng phát triển sản xuất; giải ngân trên 20 tỷ đồng nguồn vốn giải quyết việc làm cho trên 500 hộ.
![]() |
Nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập khá cho gia đình ông Phạm Văn Kích, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Quảng Điền. |
Cùng với đó, Hội đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đổi mới phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân vay nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án để khuyến khích các mô hình kinh tế liên kết, tập thể. Theo đó, toàn huyện đã có 31.291 lượt hội viên đăng ký thi đua. Trong đó, cấp tỉnh là 776 lượt hộ, cấp huyện 2.121 lượt hộ, cấp cơ sở 7.818 lượt hộ. Toàn huyện đã xây dựng thành công 12 mô hình dự án với tổng số vốn đầu tư 12,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho các hộ vay 3,2 tỷ đồng và các hộ dân đối ứng 9,7 tỷ đồng. Lợi nhuận các dự án trung bình đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm, có hiệu quả kinh tế hơn so với trồng lúa (đạt 27 triệu đồng/ha/năm). Nhằm đẩy mạnh phong trào theo hướng các hộ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và mô hình trang trại, gia trại. Đến nay, toàn huyện đã có 9 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác và hàng trăm trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Hằng năm, các hội, đoàn thể huyện tổ chức và phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho đoàn viên, hội viên, nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hội đã tổ chức cho các chủ trang trại, gia trại, tổ trưởng tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham dự hội thảo “Kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm và liên kết 4 nhà”; hội nghị “Tập huấn kỹ năng bán hàng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản và công tác giảm nghèo”, đối thoại chính sách với UBND tỉnh về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…
![]() |
Các cấp hội đã tích cực hỗ trợ hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. |
Các cấp hội cũng tích cực tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông – khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Qua đó, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế. Điển hình như: Mô hình trồng cam Vinh và cam V2; trồng giống lúa chất lượng cao DQ11, TBR 225, mía đường tại xã Quảng Long; trồng ngô sinh khối cung cấp nguyên liệu cho Công ty Phú Lâm; xây dựng các khu trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa…
Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững. Hằng năm, căn cứ số hộ nghèo, cận nghèo là đối tượng hội viên được bình xét từ cơ sở, Khối MTTQ và các đoàn thể huyện xây dựng chương trình để hỗ trợ đoàn viên, hội viên thoát nghèo, đồng thời giao chỉ tiêu cho các hội, đoàn thể ở cơ sở giúp hộ thoát nghèo có địa chỉ, lấy làm chỉ tiêu thi đua bình xét cuối năm; vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên cùng địa bàn chung tay giúp đỡ các hộ nghèo để nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở.