Được thành lập từ năm 2014, HTX Phát triển Đình Trung (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) đã có bước phát triển mạnh mẽ với sản phẩm OCOP “Miến dong Bình Liêu”. HTX đã nâng dần sản lượng từ 15 tấn (năm 2014) lên 25 tấn (năm 2015) và lên 30 tấn (năm 2016) miến thành phẩm cung cấp ra thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, anh La A Nồng, Giám đốc HTX, cho biết: Thời gian qua, sản phẩm miến dong Bình Liêu tiêu thụ tốt trên thị trường, nhiều cơ sở làm miến nhỏ lẻ của người dân “mọc lên” đã ảnh hưởng lớn tới nguồn nguyên liệu sản xuất của HTX. Năm 2016, HTX chỉ có khoảng 0,5ha trồng cây dong riềng, sản lượng 9 tấn nguyên liệu/năm, chỉ đáp ứng khoảng 15% công suất, còn lại phải thu mua của người dân, HTX thu mua dong riềng với giá 3.500 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với năm 2015. Miến sản xuất theo mùa thu hoạch cây dong riềng, tầm 6 tháng, từ tháng 9 kéo đến hết tháng 3 năm sau. Thời gian còn lại, HTX phải dừng hoạt động vì không có nguyên liệu sản xuất.
![]() |
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) kiểm tra chất lượng sợi miến được phơi trước khi đóng gói sản phẩm. |
Để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất ổn định, từ đầu năm 2017 HTX tiến hành thuê diện tích 2,5ha tại xã Vô Ngại để trồng cây dong riềng, với mức thuê 21 triệu đồng/ha/vụ, cùng chi phí về cây giống và chăm sóc, sẽ rẻ hơn nhiều lần so thu mua lẻ và chất lượng củ cũng tốt hơn. Đặc biệt, HTX sẽ không trồng dong riềng đồng loạt theo vụ, mà trồng gối nhau theo từng diện tích cụ thể để đảm bảo quanh năm có nguyên liệu làm miến. Mặc dù vậy, hiện diện tích trồng dong riềng của HTX mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất miến. Sắp tới HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dong riềng để chủ động 100% nguyên liệu sản xuất, đảm bảo cho HTX sản xuất theo mô hình khép kín. Cùng với việc tự chủ nguồn nguyên liệu, thời gian qua HTX không ngừng đổi mới quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trước đây HTX dùng máy ép ren để thái thành sợi miến, rồi đem phơi khô (thời gian 3 ngày). Hiện HTX sử dụng máy dao để thái miến, sản lượng tăng gấp 3 lần (thời gian 1 ngày). Theo anh La A Nồng, sản xuất miến dong có khoảng 23 công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn đóng vai trò quan trọng tác động tới chất lượng miến; nhưng quan trọng nhất là 2 công đoạn “làm bột” và “tráng bìa”, nếu không cẩn thận miến sẽ nát vụn, nhão, mất ngon.
Hiện HTX có 3 dây chuyền sản xuất miến, công suất 7 tấn nguyên liệu/ngày. Năm 2016, HTX sử dụng 300 tấn nguyên liệu để sản xuất 30 tấn miến thành phẩm, doanh thu gần 2,7 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Để nâng cao sức cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, HTX đã thay mẫu mã, kích cỡ bao bì phù hợp với trọng lượng của sản phẩm, thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ. Sản phẩm miến của HTX được tiêu thụ tại các hội chợ hàng OCOP của huyện, tỉnh, có mặt ở các thị trường tỉnh, thành lân cận, như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh…
Cùng với mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, HTX đang nghiên cứu thử nghiệm cách ủ bột sau sơ chế nhằm bảo quản nguyên liệu lâu dài, phục vụ cho sản xuất miến quanh năm. Mục tiêu năm 2017, HTX sản xuất khoảng 35 tấn miến thành phẩm, doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng. Với việc chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ là hướng đi quan trọng giúp HTX phát triển ổn định, bền vững.
Nguồn: Báo Quảng Ninh