Để các cánh rừng bản địa của xã Yên Than (huyện Tiên Yên) tươi tốt, giữ nước cho dòng thác Pạc Sủi trắng xóa quanh năm, giữ hoa rừng cho ong hút mật, tạo sản phẩm mật ong sạch phục vụ du khách, có phần đóng góp không nhỏ của CCB xã Yên Than, trong đó có ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hội CCB xã.
Ông Mạnh tham gia quân ngũ từ năm 1988-1991, đóng quân chủ yếu ở huyện Tiên Yên và Ba Chẽ, nơi có diện tích rừng bản địa rất nhiều. Do thời lính được sống trong rừng tự nhiên nên ông hiểu rất rõ giá trị của rừng nếu được bảo vệ tốt. Vậy là sau khi xuất ngũ trở về quê hương, được giao đất giao rừng để phát triển kinh tế, ông Mạnh giữ nguyên rừng bản địa chứ không phá đi để trồng keo. Với cương vị là Chủ tịch Hội CCB xã, ông Mạnh còn vận động thêm các anh em CCB khác cùng giữ rừng bản địa.
![]() |
Các CCB xã Yên Than, huyện Tiên Yên, khi được giao rừng chủ yếu giữ nguyên rừng bản địa, chỉ khai thác lâm sản ngoài gỗ. |
Hiện nay, xã Yên Than đã thành lập được Tổ hợp bảo vệ rừng bản địa gồm 6 hội viên là CCB, những người này được giao hơn 100ha rừng. Trong đó, chỉ riêng khu vực quanh thác Pạc Sủi (thôn Pạc Sủi) có 5 hộ CCB quản lý 75ha rừng bản địa. Các CCB này ngay từ khi được nhận rừng đã cam kết giữ nguyên rừng bản địa trên diện tích được giao chứ không phá đi để trồng keo. Họ không khai thác gỗ rừng mà chỉ khai thác lâm sản ngoài gỗ như tre, măng, quả và cây mây, dược liệu, nấm và phát triển nuôi ong mật…
Tổ hợp bảo vệ rừng bản địa của CCB thôn Pạc Sủi hằng năm lại trồng thêm cây mây để làm giàu thêm rừng. Mô hình trồng cây mây dưới tán rừng rất hiệu quả nhưng muốn thế phải có rừng tự nhiên, vì cây mây khi còn non không chịu được ánh sáng mặt trời trực tiếp mà phải sống dưới tán rừng. Quả mây hiện rất có giá trị khi xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc, khi mây về già lại khai thác được cây mây bán cho các tổ hợp làm bàn ghế mây tre. Từ trồng cây mây hiệu quả, nhiều CCB có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ bán quả mây. Không những thế, rừng tự nhiên lại tạo nguồn nguyên liệu hoa cho nghề nuôi ong lấy mật ở Yên Than và Tiên Lãng.
![]() |
Ông Phạm Văn Mạnh là người nuôi ong giỏi ở xã Yên Than, huyện Tiên Yên. |
Riêng gia đình CCB Phạm Văn Mạnh nuôi được 25 tổ ong, hằng năm thu được từ 400 đến 500 lít mật. Nghề nuôi ong lấy mật, ông học được từ khi còn tham gia quân ngũ. Vốn bản tính nhanh nhạy, ham học hỏi, ông trở thành người nuôi ong giỏi của xã Yên Than, sản phẩm mật ong của gia đình ông đã đăng ký thương hiệu và được công nhận là sản phẩm OCOP mật ong Tiên Yên. Ông Mạnh cũng sẵn sàng truyền đạt kỹ thuật cho những ai muốn học nghề nuôi ong. Chính vì thế, hiện nay, toàn xã Yên Than có tới 40 CCB làm nghề nuôi ong lấy mật. Để nghề nuôi ong phát triển bền vững, ông luôn tuyên truyền cho các CCB và những người nuôi ong của xã việc giữ rừng bản địa. Cùng với đó, nhiều CCB xã Yên Than còn thành công trong việc nuôi dê thả đồi khi chăn thả dê tự nhiên trong rừng.
Từ sự nỗ lực, cố gắng, nhiều gia đình hội viên CCB trở thành hộ khá, không còn hộ nghèo từ phát triển kinh tế và bảo vệ rừng bản địa.