NƯỚC MẮM CÁI RỒNG
DANH TIẾNG SẢN PHẨM VÀ THƯƠNG HIỆU
Nước mắm Cái Rồng – Chú trọng chất lượng, nâng cao sản lượng
Sản phẩm lên men truyền thống đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, được làm thủ công nên nó mang sắc thái và kinh nghiệm riêng của từng dân tộc, vùng miền, nước mắm chính là một minh chứng cho điều đó và đối với người Việt Nam nước mắm đã là truyền thống, là bản sắc văn hóa mà trong mỗi bữa ăn của gia đình hầu như không thể nào thiếu được.
Nước mắm Cái Rồng từ lâu đã được coi là một sản phẩm đặc sản của huyện đảo Vân Đồn nói riêng cũng như của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Trải qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây vẫn giữ vững cách chế biến thủ công truyền thống, đã cho ra sản phẩm nước mắm với đặc trưng “Được sản xuất theo phương thức đánh quậy truyền thống, lên hương tự nhiên, không sử dụng chất phụ gia; có màu sắc nâu đậm hoàn toàn tự nhiên; không có tạp chất; có mùi thơm đặc trưng của mắm, không có mùi lạ; có vị mặn nhưng không gắt, hậu vị ngọt của đạm tự nhiên”. Hiện nay, thị trường nước mắm Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ khi có sự xuất hiện của một loạt các thương hiệu khác nhau, nhưng nước mắm Cái Rồng vẫn tự hào khi có được thị trường cho riêng mình, điều đó đã được chứng tỏ qua thời gian và được đông đảo khách hàng cả trong và ngoài tỉnh xác nhận, tiếc rằng sản lượng nước mắm Cái Rồng những năm trước đây không có sự tăng trường đáng kể về sản lượng, chỉ dừng ở mức trên dưới 1 triệu lít/năm (theo các Báo cáo của UBND huyện Vân Đồn trước năm 2014).
Tháng 12/2013, nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Cái Rồng đã được UBND huyện Vân Đồn đăng ký bảo hộ thành công tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam với sự tư vấn, giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên bước ngoặt mới cho nghề sản xuất và kinh doanh nước mắm của bà con địa phương.
Logo chính thức dùng chung cho sản phẩm nước mắm đáp ứng điều kiện được mang Nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Cái Rồng của huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Sản phẩm được đóng chai, đóng hộp theo mẫu mã mới
Để không lãng phí tiềm lực và thời cơ mới, UBND huyện Vân Đồn đã chú trọng đến công tác khuyến khích người dân tham gia sản xuất, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất,… đồng thời tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sự ra đời của Hội sản xuất và kinh doanh Nước mắm Cái Rồng cũng đã có tác động rất lớn trong việc phát triển nhãn hiệu thêm lớn mạnh, là tập thể đoàn kết những cá nhân, cơ sở thực sự quan tâm đến sản phẩm danh tiếng truyền thống của Vân Đồn.
Với Ẩm Thực Việt Nam, nước mắm không chỉ là nét đặc trưng mà còn là niềm tự hào. Chúng ta hãy tin rằng trong một tương lai gần niềm tự hào của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh – Nước mắm Cái Rồng – sẽ được nhìn thấy và phổ biến xa hơn nữa để trong mỗi bữa ăn của mọi gia đình đều có một chén nước mắm mang thương hiệu của người Việt Nam.
VÀI NÉT VỀ ĐỊA PHƯƠNG SẢN XUẤT
Vân Đồn là một huyện đảo miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh có hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ với diện tích đất tự nhiên là 551,33km2, chiếm 9,3% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh. Vân Đồn bao gồm 11 xã và 1 thị trấn. Huyện lỵ là thị trấn Cái Rồng trên đảo Cái Bầu cách thành phố Hạ Long gần 50km, cách Cửa Ông 7km; phía Bắc giáp vùng biển huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà; phía Tây giáp thị xã Cẩm Phả, ranh giới là lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn; phía Đông giáp vùng biển huyện Cô Tô; phía Nam giáp vịnh Hạ Long và vùng biển Cát Bà (Hải Phòng).
Vân Đồn có địa hình là quần đảo, chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi, nên trong toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện, diện tích đất liền không lớn, chủ yếu là diện tích mặt biển với phần vùng biển rộng 1.620km2. Vì vậy, nền kinh tế của Vân Ðồn chủ yếu là kinh tế biển và khai thác khoáng sản bao gồm: nuôi trồng và đánh bắt hải sản, trồng và khai thác lâm nghiệp, dịch vụ du lịch biển, khai thác than, đá vôi, cát,…
Trong đó, nghề khai thác hải sản là nghề đã có từ lâu đời, sản lượng khai thác thủy sản năm 2012 ước lượng khoảng 18.000 tấn, xấp xỉ 20% sản lượng toàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, vùng biển Vân Đồn có nhiều chủng loại hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như: sá sùng, tôm he, mực ống, cua, ghẹ, cù kỳ, bào ngư, cầu gai, ngọc trai,…
Bên cạnh nghề khai thác hải sản, huyện Vân Đồn còn có thế mạnh là phát triển dịch vụ du lịch biển. Một số điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước có thể kể đến như: Vân Hải Linh từ, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, Di tích Thương cảng Vân Đồn,… cùng các hang động, các đảo du lịch và lễ hội văn hóa đậm chất dân gian và truyền thống như: lễ hội Quan Lạn (hay còn gọi là Hội đua bơi Quan Lạn, kéo dài từ ngày 10 đến hết ngày 20 tháng 6 âm lịch hàng năm).