Nâng cao chất lượng sản phẩm củ cải Đầm Hà

Củ cải Đầm Hà là một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh, đã được người dân, du khách tin tưởng sử dụng. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Sở KH&CN đã phối hợp với địa phương tiếp tục hỗ trợ chuyển giao dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền cho HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà.

Ông Ty Văn Bích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn giới thiệu sản phẩm củ cải ăn liền Đầm Hà
Hút chân không cho sản phẩm củ cải ăn liền Đầm Hà.

Ông Ty Văn Bích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết, từ tháng 9/2017, chúng tôi đã phối hợp thực hiện lắp đặt, đưa vào sử dụng dây chuyền chế biến củ cải ăn liền, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 300 triệu đồng, ngân sách huyện 100 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp. Công nghệ chế biến củ cải ăn liền được chuyển giao từ Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm Hà Nội, gồm: Thiết bị cắt khúc củ cải với công suất 300kg/h; thiết bị gia nhiệt (máy sấy) công suất 12Kwh; thiết bị tách nước công suất 5kw; máy đóng gói chân không công suất 2,5kw; máy lạnh cho kho bảo quản 50m3; máy xé nguyên liệu công suất 500kg/h; máy thái sợi củ cải công suất 300kg/h.

Với dây chuyền đồng bộ và hiện đại, củ cải sau khi thu mua của người dân sẽ được phân loại, sau đó rửa sạch, cho vào máy thái để định hình dạng (cắt khúc, thái sợi tùy vào sản phẩm), rồi đem phơi, sấy và ướp gia vị phù hợp để tạo thành sản phẩm củ cải ăn liền. Sản phẩm ngon, giòn, vị chua cay mặn ngọt hòa quyện rất hấp dẫn. Sau khi hoàn thành quy trình chế biến, sản phẩm củ cải ăn liền được đóng gói, dán tem, nhãn mác, hút chân không và đưa vào bảo quản tại kho mát. Sản phẩm củ cải trước khi đưa ra thị trường được kiểm tra kỹ lưỡng các chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm về hóa lý, vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sản phẩm này.

a
Thực hiện thái sợi củ cải bằng máy thái sợi công suất 300kg/h.

Để thực hiện việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất củ cải tại địa phương, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Trường Sơn đã thực hiện san lấp, cải tạo, xây dựng xưởng chế biến với 3 khu phụ trợ, mỗi khu có diện tích 1.500m2. Ông Ty Văn Bích cho biết thêm: “Củ cải Đầm Hà là  đặc sản của địa phương, được trồng từ lâu đời với đặc trưng riêng, như: Củ ngắn, màu trắng ngà, lá xanh và có hương vị đặc biệt. Trước kia, chúng tôi chủ yếu chế biến sản phẩm bằng phương pháp thủ công nên năng suất chưa cao, tiêu hao nguyên liệu nhiều. Nay có dây chuyền chế biến củ cải ăn liền đã cho hiệu quả cao về năng suất, sản phẩm đồng đều và ổn định. Không chỉ vậy, dây chuyền giúp giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả công việc. Sản phẩm sau khi được nghiệm thu đưa ra thị trường bước đầu đã được người dân chấp nhận, đánh giá cao”.

Ngoài sản xuất sản phẩm củ cải ăn liền, dây chuyền chế biến củ cải còn có thể sản xuất các sản phẩm củ cải khô, củ cải phên. Hiện tại, giá bán củ cải phên dao động ở mức 40-50 nghìn đồng/kg; củ cải khô 140 nghìn đồng/kg; củ cải ăn liền 100 nghìn đồng/kg.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng, huyện Đầm Hà, khẳng định: Việc đưa dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền vào sản xuất tại Đầm Hà đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm củ cải – sản phẩm OCOP của địa phương, tạo thêm sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao, mở ra hướng phát triển sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới. huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm đến nhiều địa phương khác trong tỉnh để tiếp tục khẳng định thương hiệu củ cải Đầm Hà.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh