Đó là anh Hoàng Đông Bắc ở thôn Trại Mới A, xã Bình Khê (TX Đông Triều) người lưu giữ bảo tồn và phát triển hàng nghìn cây mai vàng Yên Tử. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây mai vàng với hàng nghìn cây có đủ chủng loại hình dạng, kích cỡ khác nhau đang đua nở, màu vàng sặc sỡ đón ánh nắng xuân, anh Bắc hồ hởi bảo: Sau Tết là thời điểm phải cắt hoa, tỉa cành tập trung chăm sóc dinh dưỡng để cây đỡ bị còi cọc, đảm bảo cho cây phát triển tốt. Theo anh Bắc, mai vàng Yên Tử mọc tự nhiên được phân bố xung quanh núi Yên Tử (TP Uông Bí) và khu vực chùa Ngoạ Vân (TX Đông Triều) thuộc Cánh cung Đông Triều. Mai vàng Yên Tử mọc trên những vách núi đá cao, tại các khe suối. Nhiều năm qua, mai vàng không chỉ là cây cảnh để trưng bày vào những ngày Tết, mà còn gắn liền với văn hoá tâm linh của người dân nơi đây.
![]() |
Anh Hoàng Đông Bắc, Giám đốc HTX Mai vàng Ngoạ Vân Yên Tử (TX Đông Triều), chăm chút cho từng cây mai vàng. |
Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc, truyền ngôi cho con trai, rồi lên núi Yên Tử tu hành. Tại đây ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đem cây mai vàng lên đây trồng. Sau nhiều năm, được các tín đồ phật tử chăm sóc và nhân rộng, đến nay mai vàng Yên Tử đã có nhiều trong rừng, có cây mai vài trăm năm tuổi.
Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc, truyền ngôi cho con trai, rồi lên núi Yên Tử tu hành. Tại đây ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đem cây mai vàng lên đây trồng. Sau nhiều năm, được các tín đồ phật tử chăm sóc và nhân rộng, đến nay mai vàng Yên Tử đã có nhiều trong rừng, có cây mai vài trăm năm tuổi. |
Anh Bắc kể, vào những năm 2000, thấy nhiều người dân ở các nơi thường lên vùng núi Ngoạ Vân để khai thác, chặt cành, đào gốc để đem đi bán, anh mua về chơi. Lúc đầu cũng chưa hiểu lắm cây mai, nhưng về sau thấy cây mai nở hoa đẹp quá và bền, hoa có thể để được đến 3 tháng, khác biệt rất nhiều với các loại cây cảnh khác, do vậy anh tìm hiểu, càng tìm hiểu thì lại càng bị cuốn hút, nên bàn tính với anh em cùng có đam mê, tập trung thu mua cây mai về nhân rộng để bảo tồn, lai tạo, nhằm cung cấp ra thị trường. Cây mai mua về, thường là mai cổ thụ, thân sù sì, thế cây có sẵn, nên chỉ cắt phần thừa, tạo mắt để cây tạo nhánh mới. Mai vàng Yên Tử dễ tạo thành những thế cây đẹp như: Thế tam đa có 3 thân song song nhau; thế cây ngũ phúc có 5 thân mọc lên giống 5 ngón tay… Theo đó, mỗi thân mai vàng mang một ý nghĩa biểu tượng cho sự may mắn, phúc lộc, an lành… Để tạo được những thân này, anh Bắc cho rằng, phải lựa chọn được cây gần giống với các thế đó, rồi uốn và căn chỉnh dần, tạo thêm cành cho cây, kết hợp với sự chăm sóc tỉ mỉ kỹ lưỡng. Làm được điều này phải có đam mê và kiên nhẫn thời gian dài để có được chậu mai lý tưởng.
Không chỉ tạo thế cho cây, anh còn ươm giống bằng cách gieo hạt. Anh chọn hạt từ những cây mai cổ thụ có 5 cánh đẹp. Khi cây ra quả chăm sóc tốt, quả mai mọng chín đều, sau đó tách hạt ra phơi rồi tiến hành gieo vào khu đất xốp tưới nước thường xuyên, đến khoảng 1,5-2 năm tuổi, cây có thể trồng vào chậu hoặc trồng bên ngoài và tạo thế theo ý tưởng người chơi. Bắt đầu từ năm 2015 anh Bắc kêu gọi những người trồng mai trên địa bàn thành lập HTX Mai vàng Ngoạ Vân Yên Tử gồm 10 thành viên do anh làm Giám đốc. Để nhân rộng và phát triển mai vàng Yên Tử trên thị trường, anh Bắc phối hợp với các trung tâm khoa học để bảo tồn nguồn gen quý giống mai. Sau hơn 10 năm thu mua, trồng, nghiên cứu và lai tạp, hiện anh Bắc đã đưa vào HTX hơn 5 vạn cây mai vàng các loại, trong đó có khoảng 2.000 cây cổ thụ từ 50-300 năm tuổi. Riêng anh Bắc có 1.500 cây mai vàng, trong đó có 300 cây mai cổ thụ. HTX của anh hằng năm có nhiều loại cây trưng bày tại các triển lãm lễ hội hoa xuân tại Hà Nội và Hạ Long. Cây mai vàng có giá rất cao trên thị trường, từ 5-15 triệu đồng/cây. Năm 2016, doanh thu của HTX đạt 1 tỷ đồng từ việc bán mai vàng. Hiện HTX đang lựa chọn những cây mai đẹp nhất để trưng bày và bán tại Lễ hội Hoa anh đào – Mai vàng Yên Tử năm 2017 tại TP Hạ Long.
Nguồn: Báo Quảng Ninh