Phát triển HTX gắn với chương trình OCOP

Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án “Tỉnh Quảng Ninh – mỗi xã, phường một sản phẩm”(OCOP). Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng nông thôn; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Vì thế, không có mô hình nào tốt hơn HTX để thu hút người dân tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đưa sản phẩm cam Vạn Yên thâm nhập trong các siêu thị.
Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn), chăm sóc vườn cam của HTX.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (TP Móng Cái), được thành lập từ năm 2016 chuyên chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ lợn Móng Cái, được đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, trang trại của chúng tôi nuôi khoảng 150 con lợn Móng Cái các loại. Do chăn nuôi đơn lẻ cung cấp cho thương lái, giá cả bấp bênh nên trang trại phát triển không ổn định. Khi TP Móng Cái chọn bảo tồn giống lợn Móng Cái cho chương trình OCOP, tôi cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã thành lập HTX để mở rộng, chế biến các sản phẩm từ lợn, đem lại thu nhập cao.

Sau 3 năm thành lập, đến nay, HTX có 10 thành viên nuôi gần 2.000 con lợn Móng Cái các loại, không chỉ cung cấp thịt lợn cho thị trường mà còn chế biến các sản phẩm từ lợn, như: Ruốc bông, giò, khau nhục, nem chua… đều đăng ký sản phẩm OCOP thành phố. Hằng năm, các sản phẩm của HTX được tham gia hầu hết các hội chợ tỉnh, thành phố, đem lại doanh thu cho HTX gần 3 tỷ đồng. Đồng thời, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư kho lạnh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến lớn để cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, phấn đấu năm 2020 đạt khoảng 10.000 con lợn.

Hay như HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn) gắn với thương hiệu cam Vân Đồn gốc bản địa có chất lượng cao.  Đến nay, HTX có tổng số 23 thành viên với diện tích cam 60ha, trong đó có hơn 15ha cho thu hoạch; sản lượng năm 2017 đạt 100 tấn, doanh thu 3 tỷ đồng. Hiện HTX đã xây dựng thương hiệu OCOP cho cam Vân Đồn, thâm nhập vào một số siêu thị trên địa bàn.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 40 HTX tham gia chương trình OCOP. Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hầu hết các HTX tham gia OCOP được hình thành từ kinh tế hộ, có ưu điểm nhỏ gọn, duy trì bảo tồn sản phẩm truyền thống, gắn với phong tục làng, bản tại địa phương. Nhưng kinh tế hộ lại có hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu liên kết, sản phẩm chất lượng không cao và thiếu đi tính cộng đồng cho giá trị thấp.

Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn Móng Cái của HTX Nông nghiệp Hữu cơ An Lộc (TP Móng Cái)Ngày hội văn hóa các dân tộc Quảng Ninh và Triển lãm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề khu vực phía Bắc năm 2017.
Các sản phẩm chế biến từ lợn Móng Cái của HTX Nông nghiệp Hữu cơ An Lộc (TP Móng Cái) tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Quảng Ninh năm 2017.

Mặc dù các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ông Lý Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Các HTX tham gia OCOP có quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ năng lực, nền tảng của các HTX hạn chế; thiếu HTX điểm để học tập; nhiều  HTX tham gia OCOP chưa thực sự đổi mới về tổ chức, thiếu động lực để phát triển, việc tiếp cận các nguồn vốn vay, quỹ đất để đầu tư mở rộng sản xuất của HTX còn khó khăn.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng KHCN. Cùng với đó, tỉnh chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành các điểm bán hàng OCOP. Đồng thời mở rộng thị trường, tổ chức các hội chợ, tuần kết nối đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường. Năm 2017, tỉnh tổ chức hơn 20 hội chợ, phiên chợ lớn nhỏ với sự tham gia của hàng chục HTX trong và ngoài tỉnh để liên kết quảng bá sản phẩm. Tỉnh cũng đã siết chặt quản lý sử dụng tem, nhãn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hiện Ban Xây dựng nông thôn mới đang phối hợp với Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm OCOP, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…

Để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, cần xây dựng cơ chế, chính sách đối với sản phẩm chủ lực; có hỗ trợ đủ mạnh, tạo niềm tin cho các HTX kiểu mới phát triển.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh