Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao

Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh đang từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng thêm sự hấp dẫn cho các điểm đến du lịch tại địa phương.

Theo đó, Quảng Ninh đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm có chất lượng cao. Trong đó phải kể đến hàng loạt các dự án của các Tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, My Way, FLC… với các sản phẩm du lịch đặc sắc đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Quảng Ninh. Sun Group đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Công viên Đại Dương Hạ Long với rất nhiều hạng mục vui chơi, giải trí được du khách đánh giá cao, như: Bãi tắm Hạ Long, Vòng quay mặt trời, Cáp treo Nữ hoàng, khu vườn Nhật Bản, công viên nước…

Khu nghỉ dưỡng cao cấp có sân golf của Tập đoàn FLC đã tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc cho Quảng Ninh. ( Ảnh: Hùng Sơn)
Khu nghỉ dưỡng cao cấp có sân golf của Tập đoàn FLC đã tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc cho Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn

Tập đoàn FLC với khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, nơi sở hữu sân golf Hạ Long, được đánh giá là một trong những sân golf có tầm nhìn đẹp nhất châu Á. Sân golf có 18 hố được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế trên đồi cao, nhiều vị trí uốn lượn, tầm nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long. Đây cũng là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao thu hút dòng khách có thu nhập cao. Hiện nay, FLC vẫn tiếp tục tập trung hoàn thiện một số hạng mục công trình khác, như: Trung tâm hội nghị quốc tế và hệ thống resort, khách sạn để đưa vào vận hành, đón khách trong năm nay.

Một sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ khách du lịch vào cuối tháng 4 vừa qua, đó là Quảng Ninh Gate nằm trong Dự án khu dừng nghỉ và giới thiệu sản phẩm du lịch Quảng Ninh do Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư, được xây dựng từ cuối năm 2016 trên diện tích 12ha tại xã Bình Dương, TX Đông Triều. Quảng Ninh Gate có nhiều nét khác biệt so với các khu du lịch khác, đó là tái hiện được cuộc sống mang văn hóa truyền thống và hiện đại. Tại đây có khu chợ quê với những ngôi nhà đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung du Bắc Bộ, làng chài, thủy cung, tắm bùn; khu bể bơi tạo sóng, cầu trượt, bể vày, đạp vịt; khu trò chơi điện tử trong nhà và ngoài trời, các trò chơi dân gian. Bên cạnh đó còn có khu trung tâm thương mại chủ yếu bán, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm lưu niệm của các vùng miền. Đây hứa hẹn sẽ là điểm du lịch nổi bật của Quảng Ninh.

Cùng với các sản phẩm du lịch mới được đưa vào hoạt động, thời gian qua, rất nhiều các sản phẩm du lịch khác tạo được sức hút với du khách như: Khu du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều), khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí)… Một số sản phẩm gắn với thể thao như khám phá Vịnh Hạ Long bằng thuyền kayak, thuỷ phi cơ… đã được các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển. Các sản phẩm du lịch khác như: Siêu thị BigC, Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long, Khu vui chơi giải trí Marina Plaza, Dự án cáp treo tại cụm di tích lịch sử văn hoá chùa Ngoạ Vân – Hồ Thiên (Đông Triều), khách sạn 5 sao Vinpearl Halong Resort, Wyndham Halong Bay Hotel và các nhà hàng, khách sạn, tàu vận chuyển khách du lịch và tàu nhà hàng cao cấp… đã được đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả.

Khu trưng bày tượng sáp Gặp Gỡ Thần Tượng tại Khu vui chơi Ba Đèo, Công viên Đại Dương
Du khách tham quan tại Khu vui chơi trong Công viên Đại Dương (TP Hạ Long).

Một số thiết chế văn hoá có tính chất sản phẩm du lịch như: Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh; Bảo tàng – Thư viện tỉnh; Quảng trường 30-10; Công viên Hạ Long (TP Hạ Long); Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Biểu tượng du lịch Ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc (TP Móng Cái) đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ du khách.

Ngoài ra, thời gian qua tại một số địa phương như: Bình Liêu, Hoành Bồ, Cô Tô, Vân Đồn… đã tiếp tục có giải pháp thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, từ đó thúc đẩy việc khai thác hợp lý các tài nguyên, gắn kết và tạo ra chuỗi các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. Không gian du lịch được mở rộng đến các khu vực phía Tây, phía Đông của tỉnh và các khu vực trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 33 tuyến, 87 điểm du lịch của 12/14 địa phương được UBND tỉnh ban hành các quyết định công nhận. Các địa phương đã đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) để tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng của vùng miền, trong đó có một số sản phẩm đã được khách du lịch đánh giá cao.

Có thể nói, sự nỗ lực trong việc thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao cùng với việc cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng. 5 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đón trên 6,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Thu Nguyên

 Ý kiến người trong cuộc

Ông Trần Đăng An, Giám đốc Du lịch Halotour (TP Hạ Long): “Tạo sản phẩm du lịch độc đáo từ du lịch sinh thái”

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Quảng Ninh, tôi nhận thấy du lịch biển đảo là điểm mạnh cần khai thác. Ngoài Vịnh Hạ Long, một trong những sản phẩm đang tạo được “chỗ đứng”, thế mạnh riêng là khám phá du lịch sinh thái biển đảo Quan Lạn, Vịnh Bái Tử Long. Chúng tôi cũng thử nghiệm đưa du khách trải nghiệm những điểm đến hoang sơ, đẹp, ít người đặt chân tới; trải nghiệm cuộc sống của những ngư dân địa phương; tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá, câu mực, hay nghỉ ngơi theo hình thức homestay…

Những nét riêng này đã tạo ra sản phẩm khác biệt, được du khách đánh giá cao. Nhiều du khách đã quay lại hoặc giới thiệu cho bạn bè đến với chúng tôi vì ấn tượng đó.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch và thương mại Đất mỏ, TP Cẩm Phả: “Xây dựng sản phẩm mang đậm “hương vị” quê nhà”

Cẩm Phả là địa phương có tiềm năng du lịch phong phú. Thời gian qua, chúng tôi đã phát triển các sản phẩm du lịch, như đưa khách đi tham quan Vịnh Bái Tử Long, trải nghiệm suối nước nóng… Nhưng có lẽ sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm nhất là tham quan mỏ than.

Trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy du lịch Quảng Ninh đang được định hướng phát triển theo hướng toàn diện, bên cạnh phát triển điểm đến đặc trưng thì việc khai thác những giá trị đặc biệt thành sản phẩm du lịch độc đáo đang được đầu tư, xây dựng đúng hướng. Nhiều doanh nghiệp ở Cẩm Phả cũng đi theo hướng này. Nếu trước đây, khai trường khai thác than chỉ là nơi hoạt động của máy móc, của công nhân thì nay, một số đơn vị lữ hành đã đưa những địa điểm ấy vào chương trình tham quan, khám phá đặc sắc.

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy tour du lịch tham quan mỏ than là chương trình hội đủ nhiều yếu tố tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh, đặc biệt là với du khách quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch mỏ than dường như còn đang “ngủ quên”. Chúng tôi mong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, hoạch định, phát triển theo một cơ chế riêng cho sản phẩm vốn mang nhiều đặc thù này.

Ông Nguyễn Văn Duyên, HTX Vạn chài Con đò cổ tích“Khai thác giá trị văn hóa cư dân bản địa”

Phát huy những giá trị văn hóa bản địa cùng lợi thế cảnh quan để phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt luôn là một hướng đi được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Từ quan điểm này, năm 2014, chúng tôi đã phát triển, tổ chức lại sản phẩm du lịch chèo đò tham quan, trải nghiệm với sóng nước làng chài Ba Hang nhằm bảo tồn giá trị văn hóa làng chài đồng thời tạo việc làm cho ngư dân.

Là khu vực nằm trong vùng lõi di sản, Ba Hang không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có dấu ấn phát triển của cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Vì thế, du khách tới đây rất thích thú khi được trải nghiệm với sóng nước Vịnh Hạ Long, tìm hiểu phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hoá của ngư dân vạn chài.

Chỉ sau một thời gian hoạt động, sản phẩm đã thu hút rất đông du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Từ thực tế đó, chúng tôi cho rằng việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế cảnh quan và khai thác giá trị văn hóa cư dân bản địa sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm “nguồn nguyên liệu” quý này để phát triển thành những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có cho Hạ Long, vừa tạo kế sinh nhai bền vững, bảo tồn được giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hữu, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô: “Sáng tạo, đổi mới tạo nên những sản phẩm riêng có”

Ngoài giá trị cảnh quan, tôi cho rằng mạnh dạn đổi mới, sáng tạo sẽ tạo nên những sản phẩm riêng có. Xin lấy ví dụ, trước đây, hình thức homestay với những khách sạn mini chưa phải là phổ biến ở Cô Tô. Thời điểm đó, chúng tôi thấy rằng mọi người đến Cô Tô là muốn tìm một trải nghiệm mới khác so với ở đất liền. Khách sạn thì hầu như ở đâu cũng có nhưng homestay, khách sạn mini có lẽ là sự mới mẻ, phá cách, thu hút khách hơn. Hơn nữa, chi phí đầu tư khách sạn mini thường không lớn. Các phòng nghỉ của chúng tôi lại được lắp thêm cả bánh xe nên dễ di chuyển vào nơi an toàn, tránh được bão gió.

Chính sự phá cách, đổi mới này đã thu hút du khách bởi cảm giác mới lạ, gần gũi với thiên nhiên, thoải mái mà lại tiết giảm được chi phí đáng kể. Vì thế, về sau hình thức homestay và các hình thức lưu trú phá cách được đặt ven biển, gần các thắng cảnh cũng được nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở Cô Tô đầu tư, tạo nên một nét riêng cho du lịch Cô Tô. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi luôn đề cao việc nâng cao chất lượng phục vụ, sáng tạo, đổi mới thường xuyên là yếu tố đưa khách đến với chúng tôi.

Hà Phong