Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm và không để xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Để có được kết quả đó, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động và giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Người dân lựa chọn những sản phẩm thực phẩm an toàn. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua sữa tại Siêu thị Quảng Yên (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên). |
Triển khai quyết liệt
Công tác đảm bảo ATTP tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của trung ương, địa phương, với 346 văn bản chỉ đạo, công văn, báo cáo về kết quả công tác ATTP được ban hành từ tỉnh, tập trung vào các dịp cao điểm về ATTP, như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội, tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu…
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP đã nghiêm túc thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP tạo sự chủ động triển khai thực hiện. Tỉnh đã xác định và giao rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành trong công tác đảm bảo ATTP.
Các ngành thành viên và 14 địa phương đã tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền về bảo đảm ATTP. Toàn tỉnh đã thực hiện trên 30.430 lượt phát thanh, truyền thanh; 5.766 lượt phóng sự, tin, bài trên sóng truyền hình và 10.849 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền trên các ấn phẩm của Báo Quảng Ninh. Những tin, bài, phóng sự thiết thực, tác động sâu sắc đến nhận thức của cộng đồng nhằm nâng cao ý thức thực hiện ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định đây không chỉ là vấn đề sức khỏe của con người mà còn là vấn đề nhân văn của những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm thực phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu, duy trì sự sống của con người. Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền qua các cuốn tài liệu, tờ rơi, tập huấn, hội thảo nhằm phổ biến kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân.
Cán bộ Ban Quản lý chợ trung tâm Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) kiểm tra nhanh chất độc hại tồn dư trong thực phẩm. |
Song song với giáo dục pháp luật thì việc phê phán, lên án các hành vi sai trái trong thực hiện các quy định về ATTP cũng được Quảng Ninh tích cực thực hiện. Từ tháng 7/2017, tỉnh công khai thông tin các cơ sở vi phạm về ATTP trên website của ngành thành viên và trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Đây là cách làm sáng tạo mang tính chất quyết liệt nhằm ngăn chặn việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Quảng Ninh cũng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển thương hiệu sản phẩm thực phẩm của địa phương từ các vùng nuôi, trồng an toàn, tạo giá trị hàng hóa góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho tỉnh. Nhất là từ chương trình OCOP đã có 192 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia sản xuất với 245 sản phẩm an toàn, tăng 108 sản phẩm thực phẩm OCOP so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã có 16 cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi với 4 loại nông sản, thực phẩm, gồm: Rau, thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng và chả mực, sau khi đáp ứng đầy đủ quy định về quy trình sản xuất, kinh doanh và được các cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát. Việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang được coi là giải pháp hiệu quả để truy xuất được nguồn gốc, tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng.
Chủ động thanh, kiểm tra
Cùng với tuyên truyền mạnh mẽ về ATTP, việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát được coi là nhiệm vụ quan trọng quyết định mức độ ảnh hưởng của ATTP tới sức khỏe của con người và cũng chính là giải pháp đảm bảo ATTP trong tình hình mới. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức được 875 đoàn thanh, kiểm tra với 18.072 cơ sở, trong đó phát hiện 3.253 cơ sở vi phạm, phạt tiền 1.957 cơ sở với tổng số gần 7 tỷ đồng; kiểm tra đột xuất 12.145 cơ sở, tăng 202 cuộc so với năm 2016.
Để siết chặt quản lý về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo ATTP cũng được chú trọng. Cấp tỉnh, cấp 814 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và 779 giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 3.276 người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Cấp huyện đã cấp 875 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và 997 giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 2.426 người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường TX Quảng Yên kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. |
Bên cạnh đó, trong năm 2017, tỉnh tăng cường giám sát quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, thực phẩm qua biên giới. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 133 chợ có kinh doanh thực phẩm và 24.922 điểm kinh doanh thực phẩm. Các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP cũng thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, đồng thời chủ động lấy mẫu, kiểm nghiệm 32.737 mẫu thực phẩm và dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm, phát hiện 1.405 mẫu không đạt yêu cầu ATTP.
Quảng Ninh cũng tiếp tục đầu tư, củng cố việc kiểm nghiệm ATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, duy trì đạt chuẩn, phát triển tốt 165 chỉ tiêu kiểm nghiệm ATTP. Trong năm 2017, đã thực hiện kiểm nghiệm 3.525 mẫu thực phẩm, phục vụ các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, giúp cho cơ quan quản lý thực hiện xử lý thực phẩm không đảm bảo ATTP được kịp thời. Ngoài ra, Sở Công Thương đã đặt 18 bộ test kiểm nghiệm nhanh thực phẩm miễn phí tại 8 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái, Tiên Yên để người dân tự kiểm nghiệm nhanh ATTP. Các địa phương cũng đã quan tâm trang bị 100 bộ test xét nghiệm nhanh về ATTP để phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại địa phương.