Sản phẩm OCOP ở Đồng Rui: Chú trọng chất lượng

Xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) hiện có 2 sản phẩm OCOP được đông đảo người tiêu dùng biết đến là trứng vịt biển và khoai lang đất bãi. Nhờ ưu thế có diện tích ven biển, chân đê, đất bãi bồi lớn, người dân nuôi trồng theo phương pháp truyền thống, nguồn thức ăn, phân bón tự nhiên… nên 2 sản phẩm trứng vịt biển và khoai lang của Đồng Rui có sự khác biệt, chất lượng thơm ngon hơn hẳn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP xã Đồng Rui chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP xã Đồng Rui chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Từ chương trình OCOP của tỉnh, những năm gần đây, ưu thế của sản phẩm trứng vịt biển và khoai lang Đồng Rui ngày càng được phát huy, tạo nên thương hiệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường. Năm 2016, Đồng Rui có tổng đàn vịt đẻ trên 17.000 con, cao gấp hàng chục lần so với thời điểm bắt đầu thử nghiệm dự án vịt sinh sản năm 2009; sản lượng trứng đạt trên 3,6 triệu quả. Diện tích và sản lượng khoai lang cũng vậy, tăng lên 50ha, chiếm phần lớn diện tích trồng cây màu của xã; tổng sản lượng đạt 450 tấn/năm. Sản lượng trứng vịt biển và khoai lang đất bãi của Đồng Rui tăng cao là vậy nhưng lâu nay luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các thương lái về tận hộ chăn nuôi, xuống đầu bờ ruộng để nhập trứng, nhập khoai. Hộ chăn nuôi lớn nhất xã là gia đình anh Phạm Hữu Cường, thôn 4 với quy mô 6.000 con. Trong xã cũng hình thành mô hình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trứng vịt biển và các sản vật địa phương khác. Từ 2 sản phẩm OCOP trứng vịt biển và khoai lang đất bãi đã góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, là hướng làm giàu của nhiều hộ gia đình trong xã Đồng Rui.

Nhận thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm trứng vịt biển và khoai lang Đồng Rui, nhiều hộ dân trong xã đã năng động ứng dụng giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Theo đó, các hộ đã đưa giống vịt siêu trứng nguồn gốc Triết Giang (Trung Quốc) vào chăn nuôi, thay cho giống vịt địa phương. Bên cạnh đó, người dân cũng đã bổ sung thêm hàm lượng nhỏ thức ăn công nghiệp để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, dưỡng sức cho đàn vịt đẻ. Nhờ đó, đàn vịt có sức đẻ quanh năm, không phải nghỉ 3 tháng/năm như trước đây. Đối với cây khoai lang, trước đây người dân chủ yếu trồng giống khoai Hoàng Long, tuy củ nhỏ nhưng rất bở, đằm, thơm. Đến thời điểm hiện nay giống khoai Hoàng Long không còn giữ được nữa, người dân thay bằng nhiều giống mới, trong đó gần đây nhất là giống khoai lang Nhật rất sai củ, sản lượng lớn (85 tấn/ha). Sự đổi mới này đã giúp Đồng Rui tăng về sản lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng đã đến lúc các hộ sản xuất trên địa bàn cần phải chú trọng khâu lựa chọn giống và quy trình sản xuất. Chính quyền và các đoàn thể xã cũng phải quan tâm định hướng, kiểm soát về việc này.

Đàn vịt biển của gia đình anh Phạm Hữu Cường, thôn 4, xã Đồng Rui được chăn thả tự nhiên, trên diện tích mặt nước ven đê rộng lớn.
Đàn vịt biển của gia đình anh Phạm Hữu Cường, thôn 4, xã Đồng Rui được chăn thả tự nhiên, trên diện tích mặt nước ven đê rộng lớn.

Thực tế, yếu tố tạo nên sự khác biệt, thơm ngon của sản phẩm trứng vịt biển và khoai lang đất bãi của Đồng Rui chủ yếu do điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, nguồn thức ăn tự nhiên… Tuy nhiên, giống và quy trình sản xuất cũng là khâu có tác động lớn đến chất lượng sản phẩm, vì vậy cần phải được chú trọng. Điều này thực sự rất cần thiết bởi Đồng Rui còn rất nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển các sản phẩm OCOP. Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế của xã trong những năm tới đây, nhằm phát huy hết thế mạnh của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, xã Đồng Rui mới chỉ sử dụng 30% diện tích bãi bồi, ven sông, mặt nước để chăn thả vịt, còn lại khoảng 70% diện tích phù hợp với việc nuôi thả vịt nhưng chưa được khai thác. Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy hiện đời sống kinh tế của người dân đã và đang được cải thiện, đủ điều kiện để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi vịt với quy mô lớn.

Có thể thấy với các ưu thế riêng có, nếu làm tốt các khâu đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngoài trứng vịt biển và khoai lang đất bãi, Đồng Rui hoàn toàn còn có thể phát triển thêm các sản phẩm OCOP khác như vịt thương phẩm, một số loại hải sản, trong đó đặc biệt là sản phẩm ngán dưới tán rừng ngập mặn. Đây là sản vật được đánh giá có chất lượng rất tốt, vỏ mỏng, ruột dầy, ngon, ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao, hiện đối tượng này đang được một đơn vị triển khai dự án bảo tồn nguồn gen với diện tích 3ha. Và nếu làm được như vậy thì người dân và chính quyền xã Đồng Rui hoàn toàn có thể nâng cao thu nhập từ các sản phẩm OCOP.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh