Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2017 – 2020, huyện Tiên Yên là địa phương được đánh giá đạt những kết quả bước đầu tích cực.
![]() |
Người dân xã Hải Lạng thu hoạch tôm thẻ chân trắng. |
Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung chính thức được áp dụng từ đầu năm 2017. Để cụ thể hóa, đưa chính sách vào triển khai, huyện Tiên Yên đã ban hành Nghị quyết số 43/2017/NQ-HĐND về phê duyệt danh mục và điều kiện hỗ trợ các sản phẩm đặc thù của địa phương (không nằm trong danh mục sản phẩm có lợi thế vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh); thành lập hội đồng thẩm định các dự án phát triển sản xuất; phê duyệt 7 đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tổng thể; kiện toàn ban chỉ đạo triển khai chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó ngoài nguồn kinh phí từ chương trình NTM, huyện dành 5% chi thường xuyên (khoảng 3 tỷ đồng) để hỗ trợ phát triển sản xuất…
Bên cạnh đó, Tiên Yên dành kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn NTM 570 triệu đồng; ngân sách huyện 2,9 tỷ đồng) để đẩy mạnh việc xây dựng và công bố các quy hoạch, đề án sản xuất nông nghiệp. Trong đó có những quy hoạch, đề án chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện giai đoạn đến năm 2030 như quy hoạch nuôi nhuyễn thể ngoài đê; quy hoạch nuôi trồng thủy sản tập trung xã Hải Lạng; đề án tổng thể phát triển dược liệu. Trong năm 2017, từ vốn ngân sách huyện, Tiên Yên đã hỗ trợ thiết bị sơ chế và sấy khô công suất 200kg/ngày trị giá 430 triệu đồng cho HTX Dược liệu Tiên Yên, góp phần thúc đẩy khâu tiêu thụ các sản phẩm dược liệu; hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng tiền lãi suất trong phát triển sản xuất nông nghiệp cho 64 tổ chức và cá nhân; hỗ trợ mở 4 lớp học nghề cho lao động nông thôn với kinh phí gần 400 triệu đồng. Đặc biệt xác định sản phẩm OCOP sẽ là hướng xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa, giá trị cao, trong năm 2017, từ nhiều nguồn lực, huyện Tiên Yên dành 1,9 tỷ đồng để hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP chủ lực.
Những hoạt động trên được coi là xương sống, bản lề, động lực để huyện Tiên Yên thúc đẩy các dự án, mô hình nông nghiệp, đặc biệt là nhóm nông sản có lợi thế địa phương nhưng chưa nằm trong danh mục vùng sản xuất tập trung của tỉnh, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn.
![]() |
Hiện nay mô hình trồng cây dong riềng đã được nhiều người dân xã Đại Dực thực hiện. |
Có thể thấy, từ các chính sách thiết thực, trong năm 2017, 44 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Yên đã được phê duyệt và đi vào triển khai hiệu quả, nhiều dự án mang lại giá trị kinh tế lớn, làm đổi thay tư duy sản xuất nhỏ lẻ của nông dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể, với sự hỗ trợ của huyện, các hộ dân trên địa bàn đã tập trung tham gia dự án phát triển đàn gà Tiên Yên. Trong năm 2017, các hộ trong dự án đã nuôi gần 139.000 con, tăng 17% so với quy mô dự án năm 2016; nâng tổng đàn gà lên 265.000 con, cao hơn 48% so với năm 2016.
Với dự án phát triển cây dong riềng, vùng trồng dong riềng thay vì chỉ tập trung trồng tại xã Đại Thành như trước đây đã mở rộng ra thêm 2 xã Đại Dực và Phong Dụ với diện tích đạt 59ha, tăng 15ha so với năm 2016, nâng tổng diện tích dong riềng toàn huyện lên 71ha, sản lượng trên 4.000 tấn củ. Dự án xây dựng 4 trạm biến áp ra khu nuôi trồng thủy sản tập trung với kinh phí thực hiện 3,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, đã góp phần đưa kết quả sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 toàn huyện đạt trên 4.100 tấn, trong đó con tôm (đối tượng nuôi chủ lực của huyện) đạt 1.550 tấn, tăng 29% so với kế hoạch, tăng 38% so với năm 2016…
Điều đáng nói, tổng kinh phí thực hiện 44 dự án sản xuất nông nghiệp nói trên là 53,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 8 tỷ đồng, chiếm 15%, còn lại nhân dân đối ứng trên 45,4 tỷ đồng. Như vậy từ 1 đồng vốn hỗ trợ của nhà nước đã khuyến khích người dân huy động thêm 7 đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư. Riêng đối với 64 tổ chức và cá nhân được nhận hỗ trợ lãi suất trong năm 2017, tổng vốn tín dụng huy động được đạt 46 tỷ đồng, cao gấp trên 40 lần vốn hỗ trợ của nhà nước. Đây chính là điều kiện tiên quyết để nông nghiệp Tiên Yên nâng cao quy mô, sản lượng, trở thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.