Tìm “chỗ đứng” cho cây chè Hải Hà

Nhắc đến Hải Hà, nhiều người nghĩ đến những đồi chè lúp xúp tồn tại ở mảnh đất này hơn 50 năm. Thậm chí, theo những người lớn tuổi làm công nhân nông trường chè Hải Hà trước đây, sản phẩm chè Hải Hà đã từng được đưa đi để phục vụ hội nghị ở nước ngoài. Chè cũng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện. Thế nhưng, hiện tại nhiều người dân ở đây không còn mặn mà với cây chè nữa…

Người dân xã Quảng Long, huyện Hải Hà thu hoạch chè.
Người dân xã Quảng Long, huyện Hải Hà thu hoạch chè.

“Nỗi buồn” cây chè

Quảng Long là xã có diện tích chè lớn và lâu đời nhất tại Hải Hà. Chỉ những ngôi nhà khang trang nằm trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Xuân, thôn 8, xã Quảng Long (người đã gắn bó với cây chè nơi đây từ năm 1975), cho biết: “Nhà nào khá giả ở xã đều nhờ chè mà ra. Thế mà bây giờ, nhiều người bắt đầu bỏ bẵng nó”. Rồi ông dẫn tôi đi thăm những cánh đồng chè ngút ngàn tầm mắt. Nhưng khi lại gần mới thấy nhiều diện tích chè không còn được chăm sóc nên cỏ mọc um tùm, lá chè xoăn lại không thể tạo búp. Thậm chí, còn có tình trạng, người dân trồng xen lẫn keo, bạch đàn vào diện tích chè. Ông than thở: “Cứ thế này, nhiều diện tích chè sẽ hỏng mất”.

Trên những đồi chè chỉ còn lác đác vài người hái búp. Chị Đinh Thị Liên, thôn 8, xã Quảng Long, cho biết: “Nhà tôi có 3.000m2 chè. Ở nhà trông con nhỏ nên tranh thủ lúc rỗi rãi đi thu hoạch chè chứ nhiều nhà không có người để thu hái, chăm sóc”. Hiện nay, hầu hết lao động từ 18 đến 45 tuổi ở xã đều đi làm công nhân cho Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Ngân Hà tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Trong khi đó, đầu ra của chè Hải Hà luôn bấp bênh, không ổn định khiến người dân không còn mặn mà với cây chè như trước. Theo một số bà con ở đây, trước đây chè là cây mưu sinh chính nên họ “sống chết” với cây chè. Tuy nhiên, giờ không phải lúc nào việc tiêu thụ chè cũng thuận lợi, nhất là vào chính vụ (tầm tháng 6 đến tháng 8) chè tươi thường có giá thấp, thậm chí có những người đưa đến các xưởng thu mua, chế biến còn bị trả về, trong khi tiền phân bón lại đắt đỏ.

Được biết, hiện nay toàn huyện Hải Hà có hơn 930ha chè nằm rải rác ở rất nhiều xã trên địa bàn, tập trung nhiều nhất là ở xã Quảng Long, Quảng Thịnh. Theo Đề án phát triển vùng chè Hải Hà của huyện giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc thay thế  200ha chè giống mới (Ngọc Thuý); đầu tư dây chuyền sản xuất ở một số cơ sở để đáp ứng việc chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ máy móc cơ giới hoá cho người nông dân thu hái, trồng chè và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè. Theo đó, năm 2016, huyện đã thay thế được 26ha chè Ngọc Thuý bằng việc hỗ trợ 40% giá trị cây giống cho bà con; hỗ trợ được 1 dây chuyền để chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà Nguyễn Tiến Đức cho biết: “Năm 2016, diện tích chè trên địa bàn vẫn chưa bị bỏ bẵng không chăm sóc nhiều như bây giờ, sản lượng chè tươi vẫn đạt gần 7.000 tấn (khoảng 1.300 tấn chè khô). Tuy nhiên, năm 2017 do tình trạng thiếu lao động nên dù dự kiến thay thế 50ha chè bằng giống mới, huyện phải điều chỉnh xuống còn 15ha”.

Cần tạo đầu ra bền vững

Hiện toàn huyện Hải Hà có 3 doanh nghiệp và một số cơ sở nhỏ lẻ chế biến chè. Nếu các doanh nghiệp, cơ sở này hoạt động hết công suất thì vẫn bao tiêu được hết sản phẩm chè của bà con thu hái.

Theo nhiều cơ sở chế biến chè, khoảng từ năm 2004 đến 2014, chè Hải Hà chủ yếu được các doanh nghiệp xuất sang một số nước, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan dưới dạng nguyên liệu. Bởi vậy, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến khá dễ dãi trong việc thu mua chè. Tuy nhiên, cuối năm 2014, Trung Quốc, Đài Loan siết chặt tiêu chuẩn chè dẫn đến việc xuất khẩu chè gặp khó khăn, các doanh nghiệp lại phải loay hoay quay về thị trường trong nước. Tuy nhiên, thị trường nội địa đòi hỏi chất lượng chè cũng cao. Thực tế độ đượm của chè Hải Hà không thua kém gì chè Thái Nguyên. Tuy nhiên, do sự dễ dãi trong thu mua trước đó đã hình thành thói quen thu hoạch chè lẫn rất nhiều cuộng dài, thậm chí cả lá già, cùng với công nghệ chế biến chè của các cơ sở chưa cao, điều này làm thương hiệu chè không đạt điểm so với chè Thái Nguyên nên tiêu thụ trong nước cũng khó khăn hơn.

Theo ông Trần Sỹ Dũng, chủ cơ sở chế biến chè ở thôn 8, xã Quảng Long, tình trạng một số người mang sản phẩm đến nhưng không được thu mua là bởi lẽ sự kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến chè với người nông dân chưa được tốt. Người dân tập trung thu hoạch chè ồ ạt vào cùng một thời điểm dẫn đến quá tải với cơ sở thu mua, dù máy móc đã hoạt động hết công suất.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Tiến Đức cho biết thêm: “Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích chè trên địa bàn, trong đó thống kê cụ thể diện tích đang cho thu hoạch, chưa cho thu hoạch, diện tích bị người dân bỏ không chăm sóc… Trên cơ sở đó, với các xã như: Quảng Đức, Quảng Sơn… huyện vận động người dân chuyển dịch cơ cấu, thay thế chè bằng giống cây trồng khác, chỉ giữ lại chè giống mới. Còn tại vùng chè Quảng Long, Quảng Thịnh, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, gắn bó với cây chè tránh bỏ bẵng dẫn đến hỏng chè hoặc năng suất thu hoạch sẽ thấp đi. Huyện sẽ tuyên truyền để người dân hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn 1 tôm 2-3 lá. Bên cạnh đó, huyện sẽ định hướng, vận động doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè thuê lại những diện tích chè mà người dân không có nhu cầu canh tác để tiếp tục chăm sóc trở thành vùng nguyên liệu cho chính cơ sở mình.

Tuy nhiên, năm nay việc thu mua chè tươi sẽ gặp khó khăn do Công ty TNHH Thuấn Quỳnh (doanh nghiệp chế biến chè lớn nhất cả huyện) thu hẹp sản xuất. Bởi vậy, dù đang cố gắng tìm, kêu gọi doanh nghiệp xứng tầm đầu tư vào chế biến chè, song huyện vẫn mong muốn được tỉnh hỗ trợ trong việc kêu gọi doanh nghiệp và hỗ trợ địa phương về sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như sức tiêu thụ. Từ đó, tạo sức hút cho người nông dân với cây chè.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh