Làm giàu từ miến dong

Húc Động là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, điều kiện sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nghị lực và ý chí của người lính, cựu chiến binh (CCB) người dân tộc Sán Chỉ, La A Chiu (thôn Nà Ếch) đã trở thành tấm gương điển hình vượt khó làm giàu từ sản phẩm miến dong đã thành thương hiệu của vùng đất này.

Cựu chiến binh La A Chiu (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) kiểm tra sản phẩm miến rong.
Cựu chiến binh La A Chiu (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) kiểm tra sản phẩm miến rong.

Đầu những năm 2000, nhận thấy nhu cầu sử dụng miến khô của người dân tăng dần, đồng thời thương hiệu “miến dong Bình Liêu” ngày càng được ưa chuộng, gia đình ông quyết định ngưng hẳn việc trồng lúa, chuyển sang tập trung trồng dong riềng, làm miến. Kể về buổi đầu sản xuất, kinh doanh đầy khó khăn, ông Chiu tâm sự: “Để làm ra 1 cân sợi miến phải cần tới 12 cân củ dong riềng và người thợ phải làm tới hơn 20 khâu khác nhau, từ rửa, cắt, giã, hấp, phơi… rất công phu. Trong khi mọi công đoạn đều làm bằng thủ công, nên dù cố hết sức, gia đình tôi cũng chỉ làm được hơn 2 tạ miến mỗi năm. Năm 2006, tôi biết được cách làm bằng máy móc thay thế sức người rất hiệu quả. Thế nhưng lúc đó, dù có muốn đầu tư máy thì cũng chẳng thể sử dụng được, vì ở Nà Ếch chưa có điện lưới. Dùng máy phát điện chạy bằng dầu chỉ vận hành được một vài máy, sức điện yếu, nên hiệu quả không cao. Tôi chỉ còn cách thuê thêm nhân công trong thôn để làm, nhưng năng suất không cải thiện nhiều”.

Khi điện lưới về đến thôn Nà Ếch, được huyện và xã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, ông Chiu đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua những loại máy cần thiết cho quá trình sản xuất miến. Có máy móc hiện đại thay thế sức người trong các khâu từ xát vỏ, cắt, nghiền, hấp… năng suất công việc tăng lên gấp nhiều lần. Ông Chiu đầu tư 1 xe tải 1,4 tấn để chở hàng tới đại lý phân phối ở khắp trong và ngoài huyện. Hiện trung bình mỗi năm, cơ sở của ông Chiu sản xuất trên 50 tấn miến khô, thu lãi gần 200 triệu đồng. Gia đình ông vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của xã. Cơ sở làm miến của ông không chỉ giúp bao tiêu sản phẩm dong riềng của bà con trong vùng, mà còn tạo việc làm thời vụ cho 17 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng mỗi khi vào mùa thu hoạch củ dong.

Bên cạnh đó, ông không ngừng chủ động nghiên cứu, học tập để bổ sung kiến thức và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Năm 2014, gia đình ông cùng với 7 hộ khác trên địa bàn cùng thành lập Hợp tác xã Sản xuất miến dong. Qua đó, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Miến dong của Hợp tác xã hiện được giới thiệu, tiêu thụ tại các Hội chợ OCOP của huyện, của tỉnh.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh