Với mong muốn đưa sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng, HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã liên kết với Hội LHPN xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) đưa vào trồng thử nghiệm 2,5ha giống bí sặt HN999 tại 3 thôn Nà Bấc, Cái Khánh, Hội Phố (xã Đông Hải). Sự liên kết này bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nhà nông.
Cán bộ Hội LHPN xã Đông Hải khảo sát mô hình trồng bí sặt của hộ chị Từ Thị Cúc (thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên). |
Gia đình chị Từ Thị Cúc (thôn Nà Bấc) có trên 1.000m2 đất ruộng chuyên canh trồng các loại cây màu như đỗ tương, ngô hạt, ngô sinh khối, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Được Hội LHPN xã tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật; HTX Hoa Phong hỗ trợ cung cấp giống, chị Cúc quyết tâm phát triển mô hình trồng bí sặt. Sau hơn 3 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, mô hình tăng trưởng tốt, cho năng suất trên 2 tấn quả, giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây màu trước đây.
Chị Cúc vui vẻ cho biết: Sau khi được đi tham quan, thực tế phát triển các mô hình ở Hải Hà và mô hình ở HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, chị thấy cây bí sặt phù hợp với điều kiện của địa phương. Giống bí này cho năng suất cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Gia đình chị trồng bí sặt trên 1.000m2, từ đầu vụ đến giờ đã thu hoạch trên 2 tấn quả, thu nhập trên 20 triệu đồng/1.000m2/vụ. Với sản phẩm sạch, an toàn đảm bảo quy trình, chị mong muốn sản phẩm bí sặt Đông Hải sẽ trở thành sản phẩm OCOP.
Đến nay, xã Đông Hải có 33 hộ gia đình tham gia phát triển mô hình trồng bí sặt. Qua tổng kết của xã, các mô hình đều phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với một số mô hình các hộ đã thực hiện trước đây. Quan trọng hơn, ý thức của người dân về sản xuất nông sản sạch ngày càng được nâng cao hơn.
HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) thu mua bí sặt tại vườn của các hộ trồng ở xã Đông Hải (huyện Tiên Yên). |
Việc kết nối các doanh nghiệp, HTX đồng hành với nông dân như trên sẽ từng bước tạo chuỗi liên kết khép kín, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, an toàn, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Chị Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, cho biết: Để thay đổi tư duy canh tác, tăng năng suất cho các mô hình ở Đông Hải, HTX đã đưa giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng giống bí sặt. Ưu điểm của giống bí sặt HN999 là đầu tư thấp, năng suất cao. Các hộ dân tham gia chương trình được đảm bảo tiêu thụ cho sản phẩm. Hiện Hội LHPN xã Đông Hải đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với HTX. Qua đó, các hộ dân yên tâm phát triển mô hình. Đây là giống bí có chất lượng, năng suất cao, có khả năng nhân rộng. Về lâu dài huyện Tiên Yên cần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho sản phẩm bí sặt Đông Hải.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn