Hành trình 10 năm tìm chỗ đứng của hàng Việt Nam

10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khẳng định chất lượng và thương hiệu Việt, giúp hàng hóa trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất mở rộng, kết nối thị trường tiêu thụ, không chỉ trong nước mà cả ra nước ngoài.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được người dân lựa chọn tại điểm bán sản phẩm OCOP- cà phê Nam Phong, huyện Tiên Yên.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được người dân lựa chọn tại điểm bán sản phẩm OCOP 

Năm 2009, lần đầu tiên Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai. Tuy nhiên, thời gian này đã gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng BCĐ Cuộc vận động của TP Móng Cái, thành phố là địa phương sát biên giới với Trung Quốc, vì vậy, sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng Việt so với hàng Trung Quốc còn yếu. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai cuộc vận động, đến nay lượng hàng Việt tiêu thụ trên địa bàn đã tăng cao, được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn.

Để đạt kết quả đó, công tác tuyên truyền được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 10 năm qua, trên các kênh của Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có gần 40.000 tin, bài báo in; 35.000 tin, bài, phóng sự, chuyên đề truyền hình tuyên truyền về cuộc vận động này. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai cuộc vận động đến 1.567/1.567 khu dân cư. Vào lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hằng năm (15/3), Sở Công Thương cũng đã in và phát 30.000 tờ rơi tuyên tuyền về cuộc vận động.

Gian hàng sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ thương mại Việt - Lào 2019.
Gian hàng sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ thương mại Việt – Lào 2019.
 

Ngoài ra, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng được chú trọng thông qua các cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh tổ chức 2 lần/năm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó là việc hỗ trợ bình ổn giá, xây dựng, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện về thủ tục, chính sách cho doanh nghiệp. Trong 10 năm, trên địa bàn Quảng Ninh đã có 194 hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP. Việc kết nối, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội thảo tiêu thụ sản phẩm đã giúp các đơn vị trong và ngoài tỉnh quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Ninh được thành lập (tháng 7/2012), đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và doanh nghiệp chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 10 năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan, MTTQ và các đoàn thể, tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng… Các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý gần 29.500 vụ với tổng số tiền là hơn 237,3 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Chương trình OCOP. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc rà soát, kiểm tra hàng hóa trên thị trường; xử phạt nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái…

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thiết lập đa dạng kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, chú trọng đến hệ thống bán lẻ của những tập đoàn, siêu thị lớn, kết nối các kênh phân phối này đến với doanh nghiệp, hợp tác xã để chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc cung cấp thông tin sản phẩm đến người dân, định hướng dư luận thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày của người dân, tiếp tục lan tỏa hiệu quả của cuộc vận động.