Đoàn cán bộ phòng NN & PTNT huyện Ba Chẽ kiểm tra mô hình trồng ba kích tím tại xã Thanh Lâm (ảnh: Bình Minh (CTV)) |
Ba Chẽ có diện tích trên 56,6ha là đất rừng, có điều kiện thuận lợi phát triển lâm nghiệp, trồng và chế biến dược liệu. Từ lâu, nguồn tài nguyên rừng của Ba Chẽ được đánh giá là độc đáo, mức độ đặc hữu cao, còn chưa khám phá hết. Theo số liệu, trong tổng số 1.027 loài thực vật được thống kê ở Ba Chẽ, danh sách các loài cây dược liệu đã được điều tra của Bộ Y tế có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao, như: Ba kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguồn tài nguyên vô giá này đang bị cạn kiệt, suy giảm thành phần loài. Diện tích rừng tự nhiên cũng dần bị thu hẹp dẫn đến nơi sinh sống của các loài đặc hữu, dược liệu quý bị đe dọa.
Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu là một hướng đi quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, thế mạnh của huyện. Trong đó, một số cây dược liệu được xác định là những sản phẩm chủ lực của địa phương.
Theo đó, huyện Ba Chẽ đã tập trung hoạch định phát triển các loại dược liệu quý trên, chủ yếu là 2 loại dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao là ba kích và trà hoa vàng. Đối với cây ba kích, từ những năm 1980 đã được người dân phát hiện, thu hái và thương mại hóa. Ban đầu, ba kích được Ba Chẽ phát triển bằng mô hình nhân giống ở giai đoạn 2006-2007, đến năm 2012 được khuyến khích, hỗ trợ trồng với những cơ chế đặc thù. Giai đoạn này nổi lên là mô hình phát triển với quy mô lớn nhất thuộc về HTX Toàn Dân, đạt trên 100ha. Năm 2015 do thiên tai, mưa lũ, diện tích trồng ba kích bị chết, suy giảm khá nhiều. Đặc biệt, năm 2019 nhiều người dân bắt tay vào nhân rộng cây này. Một phần tác động quan trọng là do hiệu quả mô hình trồng ba kích ở xã Minh Cầm, sử dụng vốn khuyến nông tỉnh trong giai đoạn 2014-2018, đưa lại kết quả khả quan. Mỗi gốc ba kích trong dự án này cho thu hoạch trên 3kg củ. Đối với cây trà hoa vàng, từ năm 2008-2009, người dân mới phát hiện giống cây này ngoài tự nhiên. Năm 2012, huyện bắt đầu hỗ trợ phát triển vùng trồng, thu hút người dân tham gia khá nhiều trong 2 năm tiếp theo. Bởi thời điểm đó, giá trị kinh tế của trà hoa vàng rất cao, đạt khoảng 1,4 triệu đồng/kg.
Bên cạnh đó, Ba Chẽ cũng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các loại cây dược liệu quý, như: Đẳng sâm, cát sâm, sâm cau… bằng việc trồng thử nghiệm. Trước đó, các giống cây này vốn chủ yếu phát triển ở tự nhiên nhưng diện tích không nhiều. Đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 243ha dược liệu, gồm các cây chủ lực như ba kích tím 75ha, trà hoa vàng 146ha, địa liền 20ha, cát sâm 0,7ha, khôi tía 1,3 ha…
Không chỉ phát triển vùng trồng nguyên liệu, Ba Chẽ còn tập trung phát triển một số sản phẩm OCOP từ các loại dược liệu trên, chủ yếu là ba kích và trà hoa vàng với nhiều khuyến khích và đầu tư hiện đại. Ngoài ra, huyện đã linh hoạt cơ chế, tích cực, chủ động kêu gọi thu hút, đặc biệt với các đối tác là các công ty lớn, như: Công ty CP Dược trung ương Mediplantex; Công ty CP Dược – Vật tư y tế Quảng Ninh; Công ty TNHH MTV Dược Khoa (Dk pharma), Trường Đại học Dược Hà Nội… về phát triển vùng trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu; thu hút được nhiều dự án quy mô, khả thi…
Đặc biệt, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Ba Chẽ đã phê duyệt, khẩn trương thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện Ba Chẽ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Huyện khẩn trương vào cuộc, thực hiện kế hoạch trồng 200 cây dược liệu trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự án; hướng dẫn quy trình kỹ thuật, xin cơ chế hỗ trợ…
Các sản phẩm từ dược liệu của Ba Chẽ được người tiêu dùng biết tới rộng rãi. |
Với cách làm tích cực trên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn Ba Chẽ đã thực hiện là 117ha, đạt 58,5% kế hoạch. Cụ thể, có 31,6ha trà hoa vàng, 36,9ha ba kích tím, 6,5ha cát sâm, 42ha quế. Theo đó, Ba Chẽ cũng vận dụng các nguồn vốn, như: Vốn phân bổ khuyến nông Trung ương, nông thôn mới, vốn sự nghiệp nông – lâm nghiệp, vốn địa phương…
Tuy nhiên, theo đánh giá chuyên môn, việc sản xuất cây dược liệu còn nhiều hạn chế, khó khăn, do quy mô trồng dược liệu chủ yếu tập trung theo hộ gia đình và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp; phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật, thời gian trồng đến thu hoạch dài, trên 3 năm nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư. Nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn huyện còn khó khăn, chưa đa dạng… Đây là những vấn đề cần sự quan tâm, tháo gỡ của Nhà nước để phát huy hơn nữa giá trị cây dược liệu ở Ba Chẽ.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn