Để nâng cao chất lượng nông sản địa phương, trong thời gian qua, Hội Nông dân (HND) các cấp đã đồng hành cùng phát triển thương hiệu OCOP với nhiều chương trình, hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Đến thăm hộ ông Đoàn Quang Ngọc, khu Tân Lập 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí, chúng tôi không khỏi ấn tượng với trang trại tổng hợp rộng 5ha trồng hơn 16.000 gốc thanh long ruột đỏ xanh mướt và nuôi hươu, nai, lợn rừng. Trong đó, sản phẩm thanh long của gia đình ông Ngọc đã tham gia và xây dựng thương hiệu OCOP Thanh long Uông Bí. Nhờ vào trang trại này mà hàng năm, ông đã tạo việc làm cho 14 lao động, trong đó có 3 hộ nghèo. Trung bình, ông Ngọc thu về khoảng 600 triệu đồng/năm, là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Mô hình trồng thanh long của gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, khu Tân Lập 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Hiện nay, hội viên HND đang tích cực tham gia, đồng hành cùng chương trình OCOP. Trong số 402 sản phẩm OCOP của tỉnh, có 23 sản phẩm được các cấp Hội tham gia hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng; có 9 sản phẩm do HND làm chủ sở hữu; 29 sản phẩm được hội viên nông dân thường xuyên giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ và trung tâm OCOP các địa phương.
HND các cấp đã vận động hộ sản xuất giỏi mở rộng quy mô theo các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất an toàn. Có thể kể đến HND Uông Bí với 2 Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Phương Đông và HTX rau an toàn phường Yên Thanh hoạt động hiệu quả. Đồng thời, duy trì 14 mô hình kinh tế HTX, tổ hợp tác và thành lập mới 2 mô hình trồng cây ăn quả tại phường Phương Nam, Thanh Sơn. Hay HND huyện Hải Hà đã vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng khuyến khích đầu tư các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; tận dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm chủ lực địa phương. Song song với đó, quan tâm tới công tác hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ KHKT, tiếp cận với những công nghệ mới trong phát triển sản xuất. Cũng như, nâng cao năng lực quản trị cho người dân, nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng các sản phẩm của địa phương.
Để phổ biến các chương trình phát triển sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản sạch nói chung, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, vận động nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng. Trong 10 năm qua, HND tỉnh và cấp huyện đã tổ chức cho hơn 390 lượt nông dân đưa gần 280 lượt sản phẩm của gia đình và sản phẩm đặc trưng của địa phương đi giới thiệu và tiêu thụ tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các HTX đi khảo sát thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, bán hàng cho nông dân; quảng bá sản phẩm trên website của Sở, cũng như mời các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia giao lưu, đối thoại với nông dân.
Ông Bùi Thanh Hải, Trưởng Ban Tuyên huấn HND tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương chủ động triển khai sâu rộng các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đến người dân. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Trong đó, chú trọng liên kết sản xuất, nhằm gia tăng giá trị nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Hội cũng chú trọng thực hiện công tác tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn