Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ giải ngân vốn vay cho người dân xã Nam Sơn. |
Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của trung ương, tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp quan tâm bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 179,1 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương là 2.228 tỷ đồng, vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất trên 544 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương trên 226 tỷ đồng.
Để nguồn vốn thực sự đến tay người dân, Ngân hàng CSXH tỉnh, các địa phương và tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tín dụng chính sách bằng nhiều hình thức. Đáng chú ý, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn cho vay tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sinh sống. Ngân hàng thường xuyên phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân khai. Các phòng giao dịch tại địa phương cử cán bộ tín dụng đến từng hộ rà soát đối tượng, xác định mục đích vay vốn, xây dựng phương án giải ngân phù hợp.
Vườn bưởi, cam, na của hộ chị Phạm Thị Liêm (thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. |
Hằng tháng, hệ thống Ngân hàng CSXH trong tỉnh kiểm tra hoạt động ủy thác của các tổ chức, sử dụng vốn vay, đối chiếu dư nợ; từ đó kịp thời phát hiện vướng mắc của từng hộ để kịp thời có phương án khắc phục. Đồng hành cùng các hộ dân, Ngân hàng còn phối hợp với địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Các hộ dân không ngừng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Tính đến 30/9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 2.913,2 tỷ đồng với 70.688 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 41,2 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… chiếm tỷ lệ lớn; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 0,14% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 19.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, trên 1.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học phí, trên 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở kiên cố, khang trang…
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, việc triển khai các chương trình tín dụng cũng gặp những khó khăn về nguồn vốn, thời hạn cho vay, đối tượng… Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tham mưu tập trung nguồn vốn ngân sách về Ngân hàng CSXH quản lý, tăng cường nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giảm dần sự hỗ trợ cho không các đối tượng chính sách… Đồng thời, kiến nghị kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 5 năm, phù hợp với chu kỳ sản xuất; mở rộng đối tượng cho vay; xem xét đối với các hộ gia đình tại các xã vùng II đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được sử dụng nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn thêm 1 năm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới…
Theo Cao Quỳnh – Báo Quảng Ninh