Làm giàu trên mảnh đất quê hương Ba Chẽ

Với sự đầu tư bài bản, quy mô, khoa học, ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ đã và đang làm giàu từ kinh tế vườn rừng trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn thu hoạch lá trà hoa vàng
Ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn thu hoạch lá trà hoa vàng.

Vào khu trồng rừng và cây dược liệu của gia đình ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một khu đồi rộng gần 10ha phủ một màu xanh của cây trà hoa vàng, keo tai tượng, mây và sa mộc. Được biết, ông Cường bắt tay vào trồng rừng từ năm 2014, khi khu vực này vốn chỉ là một khu rừng không có giá trị kinh tế. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, ông chọn cây keo tai tượng trồng bao quanh tạo thành hàng rào bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Là người có kinh nghiệm phát triển kinh tế đồi rừng, lại có niềm đam mê với các loại cây, và thường xuyên tìm hiểu qua sách báo, ông Cường nhận thấy giá trị từ cây trà hoa vàng, nhất là giống trà hoa vàng bản địa là rất lớn. Đây vốn là loài cây mọc tự nhiên ở vùng rừng núi của huyện. Mặc dù, giống trà hoa vàng Ba Chẽ có sức đề kháng tốt, bông to, sai hoa, song, nhiều người dân trên địa bàn đã săn lùng, thu mua, bán sang Trung Quốc nên giống cây bản địa của địa phương còn rất ít. Để nhân rộng và bảo tồn loài cây này, năm 2015, ông Cường đã lặn lội đi từng cánh rừng để tìm giống cây trà hoa vàng bản địa, đồng thời ươm giống và cải tạo hơn 2ha đất vườn của gia đình để trồng trên diện rộng.

2ha của ông Đàm Văn Cường phát triển xanh tốt.
Hơn 2ha trà hoa vàng của ông Đàm Văn Cường luôn xanh tốt.

Trà hoa vàng được trồng trên diện tích đất đồi, có độ dốc lớn, nguồn nước hạn chế. Thêm vào đó, do chưa nắm được các đặc tính của cây nên lúc đầu khi đưa trà hoa vàng từ rừng về trồng, cây không phát triển được, còi cọc, chết khô nhiều. Thế nhưng không nản chí, ông Cường đã lặn lội đi khắp các vùng trồng trà trên cả nước, thường xuyên trao đổi với các trung tâm nghiên cứu, mày mò tìm hiểu qua sách báo kỹ thuật trồng. Nhận thấy cây trà hoa vàng thích hợp sống trong những cánh rừng, có bóng mát, không chịu được nóng, ông đã tạo từng hố bùn ở gốc đảm bảo độ ẩm nhất định cho cây, lắp đặt hệ thống tưới phun văng cung cấp nước hàng ngày, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà để lấy phân bón chăm sóc cây… Bên cạnh đó, ông còn đầu tư đào hồ chứa nước để đảm bảo nước tưới thường xuyên. Nhờ đó, toàn bộ 2ha diện tích trà hoa vàng của ông đều xanh tốt.

Để nhân rộng diện tích trà hoa vàng, ông Cường còn nhân giống cung ứng cây cho bà con địa phương. Đến nay, vườn trà hoa vàng của gia đình ông Cường đã có hơn 7.000 cây. Sau 4 năm trồng, diện tích trà hoa vàng của gia đình ông đã cho thu hái khoảng 7 tấn lá tươi với giá bán 60.000 đồng/kg. Dự kiến, năm 2020, vườn trà hoa vàng của ông Cường sẽ cho thu hoạch với số lượng khá lớn. Hiện, hoa trà tươi có giá khoảng 800.000-1 triệu đồng/kg, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ trồng trà hoa vàng, ông Cường còn trồng 0,8ha ba kích tím và mây, thông, sa mộc, tài lệch. Khu vườn rừng đã mang lại nguồn thu 400-500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Đàm Văn Cường chia sẻ: Diện tích trồng trà hoa vàng trên địa bàn xã Thanh Sơn nói riêng và huyện Ba Chẽ nói chung đang không ngừng được mở rộng. Do đó, những người trồng trà như chúng tôi mong muốn các cấp ngành và địa phương quan tâm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, trong đó, kết nối với các doanh nghiệp để thực hiện chế biến sâu, gia tăng giá trị, tạo nguồn thu ổn định cho người dân.

Cần cù, chịu khó và dám nghĩ, dám làm, những đồi cây của ông Cường không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần hiệu quả để phủ xanh đất rừng.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn