Nhắc đến trà hoa vàng, người ta thường chỉ nghĩ đến Ba Chẽ. Thế nhưng, ở xã biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái, cây trà hoa vàng sau nhiều năm trồng cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những cây trà hoa vàng được trồng xen lẫn với nhiều loại cây ăn quả khác tại đồi cây nhà ông Lò A Tràn. |
Ông Lò A Tràn sống tại thôn Thán Phún, xã Hải Sơn là một trong những người trồng cây trà hoa vàng đầu tiên và nhiều nhất trên địa bàn xã. Nếu những nơi khác thường mua cây giống về trồng, thì ông Tràn tự đi rừng đào cây về, vì thế mà cây cũng rất khác biệt.
Vợ chồng ông Tràn vốn là người xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, chuyển đến xã Hải Sơn, TP Móng Cái theo diện làm kinh tế mới cách đây 15 năm, lúc đầu vốn chỉ quen làm rừng, trồng keo, trồng lúa. Cách đây khoảng 12 năm, khi thấy thương lái Trung Quốc sang tìm thu mua cây trà hoa vàng, vợ chồng ông cũng lên rừng đào cây, mỗi cây lúc đó được bán với giá khoảng 50.000-100.000 đồng tùy thuộc vào độ lớn của cây, những cây lớn hơn có giá trị cao hơn. Lúc bấy giờ, đối với người dân nơi đây, số tiền ấy không phải là nhỏ, người nọ kéo người kia, có những gia đình huy động cả nhà lên rừng đào cây, có những người thu nhập đến 300.000 đồng/ngày nhờ cây trà hoa vàng.
Thế nhưng, khi xung quanh mọi người đều đào cây về bán thì gần như chỉ duy nhất ông Tràn làm điều ngược lại. Thấy người Trung Quốc nói cây này có giá trị cao, hoa có tác dụng chữa bệnh rất tốt, ông Tràn quyết giữ lại số cây đào được không bán mà đem toàn bộ về trồng tại khu đồi của gia đình. Tổng số cây trồng được cũng lên tới 300 gốc. Đó là thành quả của những ngày hai vợ chồng lặn lội trèo đèo, leo núi, căng mắt tìm cây.
Ông Tràn vui mừng vì năm nay, hầu như cây trà nào cũng sai hoa. |
Do cây đào từ rừng, đem về trồng cũng ở đất rừng, nên cây trà hoa vàng nhanh chóng thích nghi, phát triển tốt, giờ đây, có những cây to mà nếu bán lên tới mấy chục triệu đồng/cây. Đồi trà nhà ông lúc nào lá cũng xanh mướt, tươi tốt, là bởi ông nắm được đặc điểm của loại cây này ưa bóng mát, nên xung quanh đồi, ngoài cây trà, ông còn trồng thêm rất nhiều loại cây ăn quả khác như nhãn, vải, na, ổi, quế, keo…
Sau nhiều năm trồng và chăm bón, từ năm 2017, cây bắt đầu cho ra hoa. Những bông hoa vàng rực nổi bật giữa nền lá xanh mướt giữa núi rừng, đó là một sự đền đáp cho bao công sức của đôi vợ chồng người nông dân này. Ông Tràn chia sẻ: Khi thu hoạch, thương lái đến nhà mua, mỗi cân hoa tươi chúng tôi bán được 700.000 đồng, với hơn 20kg hoa thành phẩm, thu về hơn 14 triệu đồng, nhờ đó mà thoát nghèo. Năm nay, cây mới đang cho ra nụ, một số đã nhú vàng, hầu như cây nào cây ấy đều rất sai hoa, cả nhà tôi rất vui vì lại được một mùa bội thu.
Quả già sẽ được dùng để ươm cây giống mới. |
Ông Tràn cho biết thêm, khí hậu và thổ nhưỡng của xã Hải Sơn rất phù hợp cho cây trà hoa vàng phát triển, trong quá trình trồng cũng không phải chăm sóc nhiều, ngoại trừ bón phân lúc mới đem về trồng từ rừng. Những ngày tháng 6 trời nắng to, cây trà phát triển kém hơn những mùa khác, ông Tràn bứt vài chiếc lá đun nước uống thì thấy rất dễ chịu, nước thơm, vàng ươm. Thế nhưng, thi thoảng bứt vậy thôi chứ vợ chồng ông không bán lá, ông bảo để nuôi cây, để cây phát triển tự nhiên, bởi là cây rừng thì cứ để cho nó sống hoang dại như trên rừng vậy, lá già thì rụng chứ bứt làm gì. Hoa cũng thế, đến kỳ thì sẽ nở, thuận theo tự nhiên thì hoa mới sai được. Vì thế, mà đồi cây nhà ông, cây nào cây ấy đều phát triển tốt, cây nào cũng rất sai hoa.
Bởi lợi nhuận thu được lớn hơn rất nhiều so với trồng keo, lại không mất nhiều công chăm sóc, nên dự kiến, sau khi thu hoạch hết lứa keo hiện tại, gia đình ông sẽ chuyển toàn bộ số diện tích trồng keo sang trồng trà hoa vàng. Hiện tại, ông đã tự mày mò ươm giống cây trà hoa vàng bằng quả, ngay trên chính khu vườn đồi của mình. “Tương lai, cả khu đồi sẽ được phủ màu vàng của cây trà hoa vàng” – ông Tràn chia sẻ.
Theo Hằng Ngần/Báo Quảng Ninh