Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ trong mỗi mô hình sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Bùi Ngọc Liêm, phường Hải Hòa, TP Móng Cái đảm bảo về ATTP. |
Đưa vào ứng dụng nhiều mô hình
Nhiều năm nay, Quảng Ninh đã triển khai thành công việc thụ tinh nhân tạo đối với gà Tiên Yên, lưu giữ giống gốc lợn Móng Cái, cho sinh sản vô tính cá rô phi, sinh sản nhân tạo trên cá song, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, công nghệ phát hiện bệnh sớm trên thủy sản nuôi, công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi cá lồng bè chất liệu thân thiện môi trường, trồng rau thủy canh, rau hữu cơ…
Năm 2018, huyện Bình Liêu áp dụng công nghệ sấy miến dong của Trường Đại học Bách Khoa; huyện Tiên Yên áp dụng công nghệ bảo quản mật ong của Viện Hóa học, công nghệ sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ khoai lang của Viện Công nghệ thực phẩm; TX Đông Triều ứng dụng công nghệ chế biến một số sản phẩm từ na của Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội…
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (Hoành Bồ) hiện là điển hình của toàn quốc về công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh, tuần hoàn trong nhà (ISPS); quản lý, kiểm soát chất lượng nước tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản. Công ty CP Thủy sản Tân An cũng là đơn vị đi đầu trong việc phát triển công nghệ nuôi tôm Biofloc, nuôi 2, 3 giai đoạn, cho thu hoạch 200 tấn/ha/năm.
Nông dân xã Tân Lập, huyện Đầm Hà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi |
Năm 2013, Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm – nông nghiệp thành công với công nghệ nuôi cấy mô đối với cây trồng, đặc biệt là giống cây hoa lan. Trung tâm đã nhân giống, nuôi trồng và điều khiển thời gian ra hoa cho hàng vạn cây hoa lan hồ điệp để xuất bán ra thị trường. Cũng trong lĩnh vực sản xuất hoa, năm 2017, Công ty TNHH MTV Châu Thành (Hoành Bồ) đầu tư đồng bộ từ hệ thống nhà lưới, màng kín có thể tự động thu nhận các thông số về độ ẩm, không khí, đất đai, nhiệt độ, nhu cầu dinh dưỡng để trồng hoa lan cao cấp. Cùng với đó, Công ty CP Phát triển Agritech (Hoành Bồ) áp dụng công nghệ nhân giống vô tính từ ngồng hoa lan thay cho phương pháp gieo hạt hữu tính.
Khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) thuộc Tập đoàn Vingroup từ 2 năm nay cũng phát triển mô hình sản xuất rau sạch trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới với quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân đến thu hoạch sản phẩm, chủ động về độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ cho cây. Hiện ở đây có các công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (I-xra-en), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP (I-xra-en), trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen…
HTX rau Hương Việt (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) sử dụng nhiều hợp chất sinh học để phun trừ dịch bệnh cho cây. |
Cần giải pháp phát triển bền vững
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: Mặc dù đa dạng về loại hình, tuy nhiên các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao trên địa bàn lại hạn chế về số lượng, phát triển ở dạng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu bền vững và đặc biệt, tính ứng dụng chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa…
Hầu hết các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh hiện do người dân hoặc doanh nghiệp tự chủ động cập nhật công nghệ, bỏ vốn đầu tư các điều kiện hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật để ứng dụng, rất ít mô hình được triển khai hoặc hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách… Điều đáng nói, thông qua các nguồn vốn của tỉnh, nhiều đơn vị chuyên môn, địa phương đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, được đánh giá thành công, tuy nhiên lại chưa được nhân rộng. Đơn cử như các dự án về nhân giống, chăm sóc, phát triển ngán, sá sùng, bào ngư, san hô…
Cùng với đó, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu tính liên kết, phát triển thiếu bền vững, nhiều mô hình chết yểu. Đơn cử như công nghệ nuôi cấy mô hoa lan của Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm – nông nghiệp, sau 3 năm phát triển tốt, hiện không được duy trì.
Mô hình nuôi cá biển bằng vật liệu lồng thân thiện với môi trường do Chi cục Thủy sản thực hiện mang lại hiệu quả cao, nhưng chưa có nhiều hộ ứng dụng trong sản xuất. |
Tiến độ hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh rất chậm. Khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco tại xã Hồng Thái Tây mặc dù khởi động gần 5 năm trước, tuy nhiên hiện vẫn đang hoàn thiện thủ tục, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập. Mô hình này cũng chưa thực sự phát triển đúng với bản chất khu nông nghiệp công nghệ cao vì mới tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thực tiễn, chưa chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, huấn luyện nông dân, triển lãm, quảng bá công nghệ và sản phẩm công nghệ cao…
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực thủy sản cấp tỉnh tại huyện Đầm Hà do Tập đoàn Việt – Úc đầu tư được kỳ vọng đạt mục tiêu xây dựng khu thuần dưỡng tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh với số lượng 8 tỷ con/năm, đáp ứng nhu cầu tôm giống chất lượng cao cho các hộ nuôi trong khu vực; xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm trong nhà kính với công nghệ cao siêu thâm canh sản lượng từ 5.800-17.400 tấn/năm. Tuy nhiên, sau 1,5 năm triển khai, hiện vẫn đang hoàn thiện dự thảo đề án.
Hay như Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung huyện Vân Đồn cũng được xác định là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng, chuyển giao giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn để giúp người dân phát triển nhuyễn thể trong thực tế. Mặc dù đã hoàn thiện hạ tầng từ tháng 6 vừa qua, song đến nay vẫn chưa bàn giao đưa vào sử dụng được do tỉnh chưa ban hành chính sách thu hút đầu tư và cơ chế hoạt động.
Tăng ứng dụng khoa học công nghệ trong mô hình sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển hiện đại. Vì vậy, Quảng Ninh cần có chiến lược, sự đầu tư tương xứng cho công tác này để tạo nên sự đột phá và mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn