Với hơn 21km bờ biển, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, huyện Đầm Hà xác định phát triển thuỷ sản là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đang thực hiện nhiều giải pháp phát huy lợi thế về thủy sản, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn với định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh.
Kỹ sư Tập đoàn Việt – Úc kiểm tra chất lượng tôm giống. |
Nhằm phát huy lợi thế về thủy sản, thời gian qua huyện đã xây dựng, triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn”. Trong đó, tập trung phát triển vùng sản xuất tôm giống, cá và hàu giống chất lượng cao. Đến nay, huyện đã xây dựng 2 vùng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, là vùng nuôi tôm và vùng nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung tại các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích gần 1.000ha. Những năm qua, chủ trương của huyện là phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm khoa học nông, lâm, ngư nghiệp, các cơ quan khuyến nông các cấp… để nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng một số quy trình kỹ thuật sản xuất tiến bộ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp địa phương. Đồng thời, triển khai dự án ứng dụng công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học mới trong NTTS, mô hình sản xuất giống cá song chấm nâu, nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất.
Cùng với đó, huyện tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, từ quảng canh nhỏ lẻ thành các vùng NTTS tập trung, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển thế mạnh này. Bên cạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, huyện tập trung hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, đường, nước…, đồng bộ đến các vùng NTTS tập trung.
Dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô do Công ty CP Thực phẩm BIM đầu tư tại xã Đại Bình. |
Đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án lớn NTTS. Tiêu biểu, Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh với quy mô hơn 100ha, do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư tại xã Tân Lập. Dự án khởi công giữa năm 2017, đến cuối tháng 3/2019 cho ra mẻ tôm giống thẻ chân trắng đầu tiên, từ đó gỡ dần “nút thắt” về thiếu con tôm giống. Năm 2020, 24 trại giống của Việt – Úc sản xuất gần 1 tỷ con tôm giống, trong đó 70% cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Công ty CP Thực phẩm BIM triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao, quy mô 128ha, tại xã Đại Bình, ương dưỡng trên 250 triệu con giống tôm thẻ chân trắng/năm. HTX Thủy sản Bắc Việt tại xã Đầm Hà, cung ứng 4,9 triệu con giống thủy sản/năm. Cơ sở ương dưỡng cá nước ngọt Đức Học cung cấp 0,25 triệu con giống cá. Cơ sở ương dưỡng cá nước ngọt Quảng An sản xuất 0,3 triệu con giống cá nước ngọt các loại.
Hiện tỉnh đã lựa chọn Tập đoàn GFS đầu tư nuôi tôm công nghệ cao tại xã Tân Lập. Trong đó, vùng nuôi thủy sản bãi triều và mặt nước, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch trên 1.100ha tại 4 xã (Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà và Tân Bình). Huyện đang rà soát hiện trạng, sau đó tổ chức giao đất hoặc đấu thầu để doanh nghiệp, HTX, người dân có nhu cầu phát triển vùng nuôi theo quy hoạch.
Việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thủy sản sẽ tạo cơ hội để huyện mở rộng quy mô vùng NTTS tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay huyện có 847ha NTTS; sản lượng thủy sản đạt 8.718 tấn; giá trị ngành thủy sản đạt 2.276 tỷ đồng/năm. Huyện hiện đã chủ động hoàn toàn về con giống nuôi.
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Huyện đang tiếp tục triển khai các bước trong ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, với nòng cốt là các tổ chức khoa học – công nghệ, doanh nghiệp tham gia đầu tư. Từ đó, sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng để phát triển thủy sản bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con, từng bước nhân rộng ra các vùng NTTS khác trong và ngoài tỉnh.
Cao Quỳnh