Tiên Yên: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bên cạnh ổn định diện tích các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, huyện Tiên Yên khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó từng bước hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị liên kết giữa người dân với doanh nghiệp.

g
Gia đình ông Đặng Ngọc Hòa (thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Ông Đặng Ngọc Hòa (thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ), là một trong những người tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế trên địa bàn. Trước đây, gia đình ông chủ yếu canh tác trên 5 sào ruộng với các giống lúa, rau gối vụ, nhưng năng suất và sản lượng khá thấp, do nguồn nước tưới tiêu không đảm bảo. 4 năm trước, được xã tạo điều kiện cho tham gia khóa đào tạo nghề trồng cây ăn quả, với kiến thức, kỹ thuật được học, ông Hòa bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng lúa, rau cũ sang trồng cây ăn quả với các giống: Na, cam…

Đến nay gia đình ông đã có hơn 70 gốc na, 40 gốc cam cho thu hoạch. Ông Hòa chia sẻ: Nhờ chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng quả cao và ổn định. Trừ chi phí, mỗi năm cho gia đình tôi nguồn thu cả trăm triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Từ nền tảng này, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 50 gốc mít thái siêu trái, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch…

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Việt Phương (xã Tiên Lãng), cũng là một trong những hộ dân tiêu biểu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của xã. Từ chăn nuôi gà với quy mô nhỏ, anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp kết hợp với trồng keo lấy gỗ. Trong đó, trang trại của anh tập trung nhân giống, phát triển giống gà Tiên Yên bản địa. Hiện trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh có quy mô trên 5.000 con gà Tiên Yên, gần 100 con lợn và gần 1ha ao nuôi cá nước ngọt, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 500-700 triệu đồng…

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tiên Yên nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã tích cực tham gia chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh địa phương và cho năng suất, hiệu quả cao. Đặc biệt, huyện đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó đã khuyến khích được người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả, chú trọng sản xuất – kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực thông qua những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã phê duyệt và triển khai trên 120 dự án hỗ trợ chăn nuôi. Nhờ vậy đã tăng từ 2 cơ sở sản xuất giống gà (năm 2015) lên 4 cơ sở (hiện tại) với quy mô 5.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp 350.000 con giống/năm. Nhiều hộ trên địa bàn Tiên Yên đã từng bước chuyển dần từ nhỏ lẻ, tự phát, sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, tập trung và mang tính chất hàng hóa. Hiện toàn huyện có 64 trang trại được cấp giấy chứng nhận, gồm: 15 trang trại tổng hợp, 15 trang trại chăn nuôi, 38 trang trại nuôi, trồng thủy sản, 1 trang trang trại lâm nghiệp và 1 trang trại trồng trọt. Toàn huyện có  21 HTX, 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát huy lợi thế có diện tích bãi triều lớn, huyện Tiên Yên đã tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, phát triển các mô hình nuôi thuỷ sản công nghệ cao, nổi bật là mô hình nuôi tôm công nghệ. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 300 hộ nuôi tôm công nghệ, trong đó có 15 hộ đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn, với những vùng nuôi tập trung tại các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Đồng Rui. Với diện tích này, huyện phấn đấu giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt hơn 493 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện chú trọng nhằm giúp người dân nâng cao kỹ năng canh tác, cũng như biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông thường trên cây trồng, vật nuôi. Trong 10 năm 2010-2020 toàn huyện đã đào tạo nghề cho trên 2.000 lao động nông thôn, trong đó 87% lao động sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định. Từ các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn huyện Tiên Yên đã tích cực tham gia chuyển đổi, áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn tại hộ gia đình để sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nguyễn Thanh