Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030″, việc đầu tư toàn diện cho các xã khu vực này tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh.
Ngay sau Nghị quyết được ban hành, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Tháng 7/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND “Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2003” (Chương trình tổng thể). Các cấp, ngành, địa phương có nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 06 và Chương trình tổng thể.
Từ đầu năm 2022, tỉnh tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các địa phương nằm trong Chương trình. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh rà soát, phân bổ 950 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; 450 tỷ đồng phân bổ thực hiện Chương trình tổng thể của năm 2022.
Theo đó, vốn ngân sách tỉnh được phân bổ đến 93 dự án, công trình thiết yếu và ủy thác 50 tỷ đồng qua Ngân hàng CSXH để cho vay tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến nay đã giải ngân được 7,739 tỷ đồng; trong 50 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSHX, 3 tháng đầu năm nay đã giải ngân hơn 49,77 tỷ đồng với 669 hộ vay.
Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn tái cơ cấu với đặc điểm địa hình các xã nằm trong Chương trình tổng thể. Tỉnh tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững, phát động người dân trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng thực hiện Đề án trồng 1 tỷ xây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh năm 2022; nâng cao chất lượng chế biến lâm sản. Đến nay, toàn tỉnh còn 471 cơ sở chế biến lâm sản. 3 tháng đầu năm nay có 221 hộ dân trồng 354,08ha rừng, tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng; 65 hộ dân vay vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH 2,662 tỷ đồng.
Các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất khác tiếp tục được các địa phương, ngành tăng cường thực hiện, như: Xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP tại khu vực miền Đông của tỉnh; chuyển đổi mô hình nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung… Đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh có 40 cơ sở được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 1.040ha; trong đó cây lúa khoảng 150ha, cây rau 79,7ha, cây ăn quả khoảng 756,5ha, cây chè khoảng 52,77ha.
Liên minh HTX tỉnh đang phối hợp với các địa phương thành lập mới 15 HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sở KH&CN tham mưu quản lý 19 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo năm 2022. Hiện vùng này có 116 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh, trong đó 39 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Tỉnh tiếp tục rà soát 119 mô hình phát triển sản xuất trong kế hoạch 5 năm (2021-2025) để thực hiện Chương trình tổng thể. Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương thẩm định 48 dự án phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 327 và các lâm trường rà soát, đánh giá kết quả mô hình quản lý rừng, các chương trình đã triển khai tại các xã, thôn, bản vùng miền núi, biên giới, đề xuất cơ chế chính sách xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào DTTS ở các khu vực này…
Tỉnh ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục tuyến cơ sở, hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Năm 2022, tỉnh bố trí kinh phí dự nguồn mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất của ngành Giáo dục khoảng 960 tỷ đồng, ngành Y tế khoảng 130 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục triển khai một số dự án giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu trên địa bàn; hoàn thiện Đề án “Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ” theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Quan tâm đầu tư cho các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đang là động lực mạnh mẽ để các khu vực này phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền của tỉnh.