Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, nhất là giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển số toàn diện.

Cán bộ Sở NN&PTNT kiểm tra chất lượng tem có mã QR code.

Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu: 100% TTHC ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% số doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số…

Tỉnh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel, VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện nhằm đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ở cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai chuyển đổi số đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị. Điển hình, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/ đã được đi vào hoạt động ổn định. Đồng thời, tích hợp thêm module phần mềm quản lý đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP tại địa chỉ: https://qn.eocop.vn/.

Sở đã thiết kế, in ấn và cấp phát 265.000 tem QR code các loại cho 405 sản phẩm cung cấp thông tin điện tử và chống hàng giả. Các mã QR code dễ dàng hiển thị thông tin xác thực sản phẩm khi truy xuất trên hệ thống xác thực bằng smartphone sử dụng phần mềm (App) CheckVN hay các phần mềm đọc mã QR code thông dụng. Hệ thống giúp thiết lập, lưu giữ, số hóa, theo dõi, kiểm soát chất lượng, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng. Đồng thời, kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã QR code và phần mềm. Đây là công cụ hữu hiệu quảng bá các sản phẩm đến thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhân viên VNPT Quảng Ninh hướng dẫn khách hàng sử dụng phần mềm VNPT Pay.

VNPT Quảng Ninh là một điển hình trong chuyển đổi số khối doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế phát triển, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đơn vị đã lắp đặt 239 điểm cầu truyền hình đến 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông dịch vụ cho các hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến cấp xã. Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến như: VnEdu, VNPT Pay… Là một trong số các đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử, đơn vị đã không ngừng nâng cấp, gia tăng tiện ích, hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Ông Phan Văn Phúc, Phó Giám đốc VNPT Quảng Ninh, cho biết: Chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ trọng tâm của VNPT Quảng Ninh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phục vụ cho các nhiệm vụ của địa phương. Năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng trạm phát sóng di động đến 100% các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hạ tầng mạng 5G tại các khu vực đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng truyền số liệu đáp ứng đồng bộ khi triển khai chính quyền số.

Cao Quỳnh