Trong gần 10 năm qua, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là chương trình kinh tế nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo của Quảng Ninh. Việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm đã giúp Quảng Ninh khơi dậy các tiềm năng lợi thế từ các sản vật, các đặc sản sẵn có, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân… Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm OCOP có chỗ đứng nhất định thì hiện không ít sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự suy giảm về mặt chất lượng, số lượng.
Năm 2021, Đoàn kiểm tra liên ngành do Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm thuộc chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương sau một thời gian triển khai chương trình thì đã có sự buông lỏng trong công tác chỉ đạo điều hành, chưa thực sự quyết liệt trong hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ tham gia thi đánh giá phân hạng sản phẩm. Điều này, đã dẫn đến tình trạng hơn 260 sản phẩm tham gia chương trình OCOP chưa hoàn thiện để tham gia cuộc thi đánh giá phân hạng sao hằng năm (chiếm tỷ lệ gần 53%). Cụ thể, như: Cô Tô 34/48 sản phẩm (71%); Quảng Yên 35/50 sản phẩm (70%); Tiên Yên 18/26 sản phẩm (69,2%); Đầm Hà 18/29 sản phẩm (62%); Bình Liêu 15/27 sản phẩm (55,5%); Móng Cái 20/39 sản phẩm (51%); Hạ Long 35/73 sản phẩm (48%); Uông Bí 14/31 sản phẩm (45%); Hải Hà 16/36 sản phẩm (44,4%); Vân Đồn 10/26 sản phẩm (38%).
Việc thiếu quan tâm đến chương trình còn thể hiện ở việc các địa phương không chú trọng phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, định hướng thị trường mà để cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất tự triển khai. Do đó, dẫn đến vùng nguyên liệu phát triển chưa ổn định, có năm thiếu, năm thừa. Có thể thấy, qua việc phát triển vùng nguyên liệu dong giềng để sản xuất miến dong Bình Liêu; mơ để sản xuất rượu mơ Yên Tử, nguyên liệu để sản xuất rượu gạo bao thai Đầm Hà, nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm từ dược liệu…
Không những vậy, ở nhiều địa phương sau rất nhiều năm triển khai chương trình, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng không ít cơ sở vẫn bố trí nhà xưởng, nơi sơ chế đóng gói sản phẩm chung với nhau, dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể nhiều nhà xưởng còn bừa bộn, không quy củ theo quy tắc một chiều, vệ sinh công nghiệp chưa đảm bảo, máy móc thiết bị xuống cấp… nên không hướng đến được sự chuyên nghiệp trong sản xuất như mục tiêu của chương trình đặt ra. Điều đáng nói, một số đơn vị có đất, có nhu cầu xây dựng nhà xưởng tách biệt nơi ở nhưng do là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm nên khó khăn trong việc chuyển đổi để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất. Có đơn vị xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp nên không đủ điều kiện phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường dẫn đến việc không thể hoàn thiện hồ sơ dự thi xếp hạng sao. Có đơn vị xây dựng nhà xưởng tách biệt nơi ở nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản phẩm tiêu thụ chậm nên không có nguồn lực đầu tư dẫn đến nhà xưởng còn sơ sài, chậm hoàn thiện và chưa thể đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị còn chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, thiếu vốn, thiếu lao động, không có máy móc sơ chế nên việc hình thành theo chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp rất nhiều hạn chế, nhất là các sản phẩm cây ăn quả sản xuất theo mùa vụ, thời gian bảo quản không được dài, khó khăn trong việc tham gia dự thi đánh giá xếp hạng sao (cam, bưởi, vải thiều, na dai…).
Ngoài những hạn chế của cơ sở sản xuất, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, sự thiếu quan tâm, sâu sát của các địa phương là nguyên nhân chính khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất phải đưa ra khỏi chương trình. Thống kê trong năm 2021, đoàn kiểm tra của tỉnh rà soát và thống nhất đưa 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã cấp sao và 43 sản phẩm chưa cấp sao.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Từ thực tiễn trên cho thấy, để khắc phục những khó khăn, tồn tại hạn chế, các địa phương phải có sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm sát sao tới các bước phát triển của sản phẩm, của đơn vị sản xuất. Trước mắt, cần phải có biện pháp tháo gỡ về mặt bằng sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, tách biệt khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường. Hằng năm, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cho các xã, phường gắn với xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các địa phương cũng phải hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ tham gia thi đánh giá phân hạng sản phẩm năm nào dứt điểm năm đó (sản phẩm vào OCOP tối đa không quá 2 năm phải thi và cấp sao), khắc phục tình trạng sản phẩm đưa vào chương trình OCOP tràn lan để bán tại các hội chợ OCOP và tiêu thụ trên thị trường nhưng không có kế hoạch hoàn thiện để dự thi đánh giá phân hạng sao.
Có thể thấy, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo vị thế khác biệt và nổi trội cho nông sản Quảng Ninh trong cả nước. Nhưng để định danh và định vị được sản phẩm, các sản phẩm cần có những bước tiến về phía trước thay vì đi “giật lùi” và bị đưa ra khỏi danh sách chương trình một cách đáng tiếc như hiện nay.