Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, giải pháp cho mục tiêu duy trì và phát triển kinh tế nông nghiệp của TX Đông Triều chính là hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Đến nay, nông dân Đông Triều đã và đang chuyển dịch, kịp thời bám sát, cũng như triển khai hiệu quả hướng sản xuất này.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều Đặng Đình Thắng, nông nghiệp đô thị có thể coi là lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay của địa phương. Bởi nông nghiệp đô thị là những mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng ít diện tích, không nhất thiết phải là trên đồng ruộng, mà có thể trong nhà xưởng, giảm phụ thuộc thiên nhiên, tăng hàm lượng KHCN. Sản phẩm của nông nghiệp đô thị là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đô thị…
Có thể thấy, những mô hình sản xuất nấm ăn cao cấp, rau thủy canh, rau củ quả trồng trong nhà màng, nhà lưới, chăn nuôi lợn, gà trong nhà lạnh khép kín, nuôi gà đen, gà mặt quỷ, cá chạch chấu, nuôi rươi, cấy trồng gạo lứt các loại, hoa, cây cảnh ngày Tết, rau gia vị… chính là những mô hình, sản phẩm nông nghiệp đô thị điển hình của Đông Triều.
Con cá chạch chấu lần đầu có mặt ở Đông Triều do anh Nguyễn Văn Bích (phường Yên Thọ) nuôi. Theo anh Bích, chạch chấu là giống cá đặc sản ở khu vực miền Nam, chất lượng thịt cá rất thơm ngon, giá bán đầu ra cao hơn cả loại cá trình, vốn là món đặc sản miền Bắc hiện nay. Chính vì vậy cá chạch chấu có cơ hội được đưa vào các bếp ăn ở miền Bắc, đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Hiện nay hệ thống ao nuôi chạch chấu với diện tích gần 5.000m2 của anh Bích đang ở tháng thứ 15, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 0,8kg, sẽ tăng lên trên 1kg/con khi trưởng thành ở tháng thứ 20 trở ra. Theo giá bán hiện nay, chạch chấu loại 1kg là khoảng 350.000-400.000 đồng/kg.
Giống như anh Bích, chị Bùi Thị Thể, chủ cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Mạo Khê, Đông Triều (Green Farm 188) có thể coi là người đầu tiên đưa rau thủy canh trở thành hàng hóa tại Đông Triều. Theo chị Thể, với việc đô thị phát triển, người tiêu dùng sẽ ngày càng đề cao tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe trong các nông sản tiêu dùng hằng ngày. Trong đó, rau thủy canh được nuôi lớn bằng nguồn nước sạch và công thức dinh dưỡng chuẩn, trong nhà màng, nhà lưới… đảm bảo cao nhất VSATTP, đặc biệt là hạn chế tối đa việc dư lượng những chất có hại trong cây rau. Đấy là cơ sở để rau thủy canh có thể phát triển được trong lòng đô thị hiện đại.
Tại TX Đông Triều, nông dân ở xã Bình Khê được xem là có sự bắt nhịp, chuyển động sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị sớm nhất. Từ việc trồng lúa, rau thông thường, nông dân Bình Khê từng bước chuyển đổi thử nghiệm rồi nhân rộng diện tích trồng hoa tươi các loại, trồng cây cảnh ngày tết (đào, quất, cam, bưởi)… Giá trị của các loại nông sản này cao hơn rất nhiều so với trồng rau, lúa trước kia, đủ sức mang lại cho người dân cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Từ thực tế hiện nay, cũng như mục tiêu phát triển đô thị đã đặt ra, Đông Triều ngày càng chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị. Thị xã đã đưa ra định hướng, giải pháp, mục tiêu khá rõ ràng về nông nghiệp đô thị, là cơ sở để huy động sự vào cuộc của cả doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân, tạo ra nguồn lực mạnh để phát triển. Đây cũng là đội ngũ nòng cốt, hạt nhân của nền nông nghiệp Đông Triều trong tình hình mới, hiện đại, giá trị cao.